Ngân hàng UOB (Singapore) vừa mới công bố báo cáo cập nhật tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cho thấy rõ những tín hiệu lạc quan sau nhiều sự thận trọng trong quý I.
Trọng tâm của báo cáo hướng về kết quả khả quan của bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm và những diễn biến mới trong quá trình đàm phán thương mại với Mỹ. Những tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại đang mở ra nhiều tín hiệu tích cực đối cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý II, xuất khẩu là trụ cột tăng trưởng
Theo báo báo, ngân hàng UOB nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II năm nay, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP thực đạt 7,96%. Mức tăng trưởng này vượt xa dự báo của Bloomberg là 6,85% và dự báo trước đó của UOB là 6,1%. Con số này cũng cao hơn mức đã điều chỉnh của quý I là 7,05%.
Tính chung nửa đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ - mức tăng mạnh nhất trong giai đoạn nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011.
![]() |
Tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam - Nguồn: Ngân hàng UOB |
Lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ này, UOB cho biết một trong những động lực quan trọng nhất đến từ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi các doanh nghiệp “tranh thủ” đẩy nhanh các đơn hàng xuất khẩu trong 90 ngày hoãn thuế.
Theo thống kê, trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 219 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 17,9% lên mức 212 tỷ USD. Những con số này tương đương với tốc độ tăng trưởng của cả năm 2024 (xuất khẩu tăng 14%, nhập khẩu tăng 16%).
Trong đó, máy tính và sản phẩm điện tử tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2025, tăng vọt 42% so với cùng kỳ lên 47,7 tỷ USD. Tiếp theo là điện thoại di động (giảm 1,1%, còn 26,9 tỷ USD) và máy móc thiết bị (tăng 16,3%, lên 27 tỷ USD). Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của Việt Nam vào các lĩnh vực này.
![]() |
Cơ cấu xuất khẩu sang Mỹ theo mặt hàng - Nguồn: Ngân hàng UOB |
Trong nửa đầu năm, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 7,63 tỷ USD, thấp hơn mức 11,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2024.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư, Việt Nam thu hút được khoảng 11,7 tỷ USD vốn FDI thực hiện trong nửa đầu năm 2025, tăng 8,1% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2021.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là “nam châm hút vốn” với 9,56 tỷ USD, dẫn đầu trong các nhóm ngành kinh tế quốc dân, chiếm 81,6% tổng vốn FDI thực hiện. Lĩnh vực bất động sản xếp thứ hai với 932,2 triệu USD, tương đương 8% tổng FDI thực hiện.
Tổng vốn FDI đăng ký mới trong nửa đầu năm đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Động lực mạnh mẽ từ dòng vốn đăng ký này dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng vốn thực hiện trong những tháng tới.
Bên cạnh những kết quả khả quan, lĩnh vực sản xuất lại xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chững lại và chưa thực sự lấy lại nhịp tăng trưởng. Báo cáo từ S&P Global công bố mới đây đã chỉ ra chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Việt Nam đã tăng lên 48,9 điểm trong tháng 6 từ mức thấp 45,6 điểm vào tháng 4, nhờ tâm lý thị trường cải thiện khi căng thẳng thương mại với Mỹ dịu bớt.
![]() |
PMI sản xuất của Việt Nam - Nguồn: S&P Global |
Tuy vậy, bức tranh chung lại cho thấy sự tăng trưởng chậm lại. Việt Nam chỉ ghi nhận duy nhất một tháng có chỉ số trên 50 trong năm nay (tháng 3). Trong 7 tháng gần nhất, chỉ số PMI nằm dưới mức 50 tới 6 lần, phản ánh ngành sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do sự sụt giảm của đơn hàng mới. Theo S&P Global, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương mức giảm từng ghi nhận vào tháng 5/2023.
Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản
Báo cáo trước đó (công bố vào tháng 4) của UOB đã chỉ ra thuế quan của Mỹ là một trong những rào cản lớn cản trở sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khiến tổ chức này phải điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm đối với tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, bản báo cáo cập nhật này cho thấy tình hình đang xoay chiều theo chiều hướng tích cực hơn đáng kể.
Báo cáo nhấn mạnh: “Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua”.
Quay lại thời điểm ngày 2/4 - hay còn gọi là “Ngày giải phóng” - thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chấn động toàn cầu khi tuyên bố áp mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ - một trong những mức cao nhất trong số các đối tác thương mại của Mỹ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng ngày 2/4 - Ảnh: Reuters |
Điều này đã ngay lập tức làm dấy lên lo ngại về bức tranh tăng trưởng cả năm nay của Việt Nam, bởi nước ta vốn dễ bị tổn thương trước các căng thẳng thương mại do tính chất mở của nền kinh tế. Hơn nữa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 406 tỷ USD.
Tuy vậy, đến ngày 9/4, tâm lý thị trường đã được xoa dịu đáng kể sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế này trong 90 ngày và thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản phổ quát 10% cho tất cả các đối tác thương mại. Thời gian miễn áp thuế này dự kiến kết thúc vào ngày 9/7.
Trong diễn biến mới nhất vào ngày 2/7, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và 40% đối với hàng trung chuyển (transshipping), mặc dù hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về thỏa thuận này và Chính phủ hai nước chưa có thông báo chính thức.
Tuy nhiên nhìn chung, đây vẫn được coi là một tín hiệu tích cực đối với thương mại Việt Nam bởi con số này thấp hơn nhiều so với mức 46% được công bố ban đầu vào ngày 2/4.
Theo đó, dựa trên mức thuế mới này, ngân hàng UOB đã điều chỉnh lại giả định về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025, so với kịch bản đã nêu trong báo cáo công bố vào tháng 4.
![]() |
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 - Nguồn: Ngân hàng UOB |
Cụ thể, tổ chức này dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% thay vì giảm 20% như ước tính trước đó. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ dự kiến sẽ tăng 10%, tương đương mức tăng 11,3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 8,5% trong cả năm 2025.
Với kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn, ngân hàng UOB đã điều chỉnh tăng GDP của Việt Nam thêm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu, lên mức 6,9% (dự báo trước đó là 6%).
Riêng quý III và quý IV năm nay, UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dao động quanh mức 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay.
Tuy vậy, tổ chức này cũng cảnh báo thuế quan vẫn là rào cản đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. UOB nhấn mạnh dù mức thuế mới được điều chỉnh giảm còn 20% thay vì mức cao tới 46% trước đó, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng từ Mỹ suy yếu, do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.