Công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Kỳ vọng mở ra chu kỳ đầu tư mới cho năng lượng tái tạo

Chiều ngày 28/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).

Tại sự kiện, ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – công bố Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung điều chỉnh, đồng thời giới thiệu tổng quan các định hướng và mục tiêu trong quy hoạch mới.

Bộ Công Thương ‘kích hoạt’ kế hoạch đầu tư quy mô 136 tỷ USD, những doanh nghiệp niêm yết nào được hưởng lợi?
Toàn cảnh Lễ công bố Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: PetroTimes)

Theo nội dung điều chỉnh, Quy hoạch điện VIII hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hiện đại hóa sản xuất và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.

Cụ thể, điện thương phẩm năm 2030 dự kiến đạt 500,4–557,8 tỷ kWh; định hướng đến năm 2050 là 1.237,7–1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 ước khoảng 560,4–624,6 tỷ kWh, và có thể lên tới 1.511,1 tỷ kWh vào năm 2050. Công suất cực đại toàn hệ thống được điều chỉnh tăng lên 89.655–99.934 MW vào năm 2030 và 205.732–228.570 MW vào năm 2050.

Đến năm 2030, ngành điện phấn đấu đạt các tiêu chí kỹ thuật cao như độ tin cậy cung cấp điện thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào năm 2030.

Cơ hội cho các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực năng lượng

Theo VNDirect Research, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 theo quy hoạch mới sẽ cao hơn từ 82% đến 102% so với năm 2024, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện cho tăng trưởng GDP trung bình 10% giai đoạn 2026–2030.

Tổng công suất điện dự kiến đạt 183–236 GW vào năm 2030, tăng từ 122% đến 187% so với hiện tại, đồng thời cao hơn 16%–49% so với phiên bản Quy hoạch điện VIII cũ. Về hạ tầng truyền tải, sẽ có 12.944km đường dây 500kV mới được xây dựng và 1.404km được cải tạo.

Tổng vốn đầu tư cần thiết cho giai đoạn 2026–2030 là 136 tỷ USD, trong đó 118 tỷ USD cho nguồn điện và 18 tỷ USD cho lưới điện. Giai đoạn 2031–2035 tiếp tục cần 130 tỷ USD. Trong bối cảnh nguồn vốn công hạn chế, khu vực tư nhân được kỳ vọng đóng vai trò chủ đạo, đòi hỏi khung pháp lý minh bạch và ổn định để thu hút đầu tư.

Bộ Công Thương ‘kích hoạt’ kế hoạch đầu tư quy mô 136 tỷ USD, những doanh nghiệp niêm yết nào được hưởng lợi?
VNDirect Research tổng hợp từ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo. Công suất điện mặt trời đến năm 2030 có thể tăng gấp 2,3–3,6 lần và điện gió tăng 1,2–1,7 lần so với quy hoạch trước đó. Đặc biệt, quy định mới khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió tiêu thụ tại chỗ (không đấu nối vào lưới điện quốc gia), làm nổi bật tiềm năng của cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giai đoạn 2025–2030.

Trong bối cảnh này, VNDirect đánh giá cao triển vọng của một số doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Cụ thể:

- REE, HDG, GEG: Các nhà đầu tư điện tái tạo có sẵn nền tảng và dư địa mở rộng.

- PC1: Doanh nghiệp xây lắp năng lượng có thể hưởng lợi từ làn sóng đầu tư hạ tầng truyền tải.

- POW: Với 2 nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4, POW được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng chuyển dịch khỏi điện than sang khí hóa lỏng.