Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá hàng hóa toàn cầu sẽ giảm sâu trong hai năm tới, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng thương mại gia tăng. Theo báo cáo "Triển vọng Thị trường Hàng hóa" công bố ngày 23/4, giá hàng hóa sẽ giảm 12% vào năm 2025 và tiếp tục mất thêm 5% trong năm 2026, đưa giá thực về mức thấp nhất trong thập niên 2020.
Cơ quan tài chính này cho biết, nếu điều chỉnh theo lạm phát, giá hàng hóa toàn cầu sẽ quay về mức trung bình của giai đoạn 2015–2019. Đây được xem là dấu hiệu chấm dứt chu kỳ tăng giá kéo dài trong những năm qua, vốn được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga–Ukraine nổ ra năm 2022.
Dự báo này mang tính hai mặt: Một mặt, giá hàng hóa giảm có thể góp phần làm dịu rủi ro lạm phát trong ngắn hạn, giữa bối cảnh Mỹ áp thuế mới và các rào cản thương mại đang gia tăng trên toàn cầu. Mặt khác, xu hướng giảm giá lại đặt ra thách thức lớn cho các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
“Giá hàng hóa cao từng là động lực tăng trưởng cho nhiều quốc gia đang phát triển – trong đó hai phần ba là các nước xuất khẩu hàng hóa”, ông Indermit Gill, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, nhận định. “Tuy nhiên, hiện chúng ta đang chứng kiến mức độ biến động giá cao nhất trong hơn nửa thế kỷ. Khi giá giảm mạnh kết hợp với biến động lớn, đó là một tín hiệu đáng lo ngại”.
![]() |
Ông Indermit Gill - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới |
Trước tình hình này, WB khuyến nghị các nước đang phát triển cần đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thiết lập lại kỷ luật tài khóa và tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân nhằm thu hút đầu tư.
Trong số các mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh, năng lượng sẽ dẫn đầu đợt sụt giảm, với giá dự kiến giảm 17% trong năm 2025 xuống mức thấp nhất trong 5 năm, và tiếp tục giảm thêm 6% vào năm 2026. Giá dầu Brent – chỉ số tham chiếu toàn cầu – được ước tính trung bình đạt 64 USD/thùng vào năm 2025, giảm 17 USD so với năm 2024, và xuống còn 60 USD/thùng vào năm 2026, chủ yếu do nguồn cung dồi dào và nhu cầu suy giảm, đặc biệt là khi xe điện ngày càng phổ biến tại Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Vào sáng ngày công bố báo cáo, giá dầu Brent giao dịch ở mức 64,80 USD/thùng.
Than đá cũng không nằm ngoài xu thế, với giá dự kiến giảm 27% trong năm 2025 và giảm thêm 5% vào năm sau, khi tốc độ tiêu thụ than để phát điện ở các nước đang phát triển bắt đầu chậm lại.
Ở nhóm hàng lương thực, báo cáo dự báo giá sẽ giảm 7% vào năm 2025 và tiếp tục giảm thêm 1% trong năm 2026. Tuy nhiên, sự suy giảm này khó có thể giúp cải thiện tình trạng mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia dễ tổn thương, trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang và viện trợ nhân đạo suy giảm nghiêm trọng.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung là giá vàng, được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2025 khi nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn giữa lúc bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, giá kim loại quý này sẽ ổn định trở lại vào năm 2026.