Tăng trưởng duy trì ổn định bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Cục Thống kê cho thấy, quy mô GDP (tổng sản phẩm trong nước) năm 1990 của nước ta chỉ đạt 41.955 tỷ đồng và vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 1992 (đạt 110.532 tỷ đồng).

Đáng chú ý, đến năm 2006, GDP đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ổn định qua các năm, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đến năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đạt 10,32 triệu tỷ đồng. Như vậy, sau 33 năm (từ 1990-2023), GDP của nước ta tăng gấp gần 246 lần.

Việt Nam sau 50 năm thống nhất: Nền kinh tế đã vươn mình như thế nào?

Tăng trưởng duy trì ổn định bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tương tự, tổng thu nhập quốc gia theo giá thực tế năm 1990 dừng ở con số 39.284 tỷ đồng, sau đó tăng lên 106.757 tỷ đồng vào năm 1992.

Năm 2006, tổng thu nhập quốc gia của nước ta đạt gần 1,04 triệu tỷ đồng, tăng gấp 26,4 lần so với năm 1990.

Đến năm 2023, thống kê sơ bộ cho thấy, tổng thu nhập quốc gia sắp chạm mốc 10 triệu tỷ đồng, khi đạt gần 9,79 triệu tỷ đồng. So với năm 1990, tổng thu nhập quốc gia năm 2023 đã tăng 249 lần.

Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt 4.323 USD/người/năm.

Mức thu nhập này cao gấp 50 lần so với 86 USD/người/năm vào năm 1988, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế và gấp hơn 4 lần so với mức 1.000 USD/người vào năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những năm qua, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng ở nước ta cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Từ 295.000 đồng/người/tháng năm 1999 đã tăng lên gần 1,39 triệu đồng/người vào năm 2008, sau đó chạm mốc 2 triệu đồng/người. Đến 2023, thu nhập bình quân đầu người đã tiệm cận mức 5 triệu đồng/người, tăng gấp gần 17 lần so với năm 1999.

Hiện nay, Việt Nam có mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và các nền kinh tế. Từ nước chịu tổn thương sâu sắc từ chiến tranh, Việt Nam đã chủ động gia nhập và tham gia hơn 17 hiệp định thương mại tự do song phương đa phương lớn thế giới như WTO, CPTPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng AC - AEC, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Trải qua hàng chục năm định hình, phát triển, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp lớn, tạo dựng được thương hiệu, tên tuổi trong nước, khu vực và từng bước tiến ra thế giới, khẳng định được tên tuổi như Vingroup - Vinfast, Viettel, FPT, Vinamilk, PVN, TH True milk…

Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn

Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, sức vươn lên của nền kinh tế ngày càng lớn mạnh dù chúng ta gặp không ít khó khăn thách thức. Đó là quy mô GDP ngày càng lớn, xuất khẩu đem lại giá trị cao, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện và nền kinh tế kết nối hội nhập nhanh với toàn cầu.

Thành tựu lớn là như vậy, song các chuyên gia cũng thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn, khiếm khuyết.

Việt Nam sau 50 năm thống nhất: Nền kinh tế đã vươn mình như thế nào?

Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn.

Ông Trần Hoàng Ngân thừa nhận nền kinh tế vẫn còn tính phân mảnh do hạn chế về địa giới hành chính, thiếu cơ sở vật chất cần thiết (giao thông, logictics, điện, thủ tục hành chính, thiếu khoa học công nghệ) và đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân còn rất nhiều khó khăn.

“Nhiều năm qua, TP. HCM luôn đứng với vai trò là đầu tàu kinh tế đất nước, song động lực phát triển của kinh tế thành phố đã tới hạn, cần tìm mới các động lực khác, chuyển đổi sang phát triển dịch vụ cao, dịch vụ tài chính, đó cũng là lý do mà TP. HCM được chọn là nơi xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế”, ông Ngân cho hay.

Về phần mình, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng sau thống nhất, đất nước đương đầu với ba thách thức: hậu quả chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc để lại vô cùng nghiêm trọng; thế bao vây cô lập từ nhiều phía và thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung theo kiểu mô hình Xô Viết không còn phù hợp. Tất cả yếu tố này làm cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng.

Bà Lan cho biết, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975, chúng ta từng kỳ vọng đất nước hồi phục nhanh chóng, các nước khác cũng trông đợi, thậm chí có nước cho rằng chúng ta sẽ thành con hổ mới.

Chúng ta đã có thành tựu, thậm chí thành tựu đó là rất lớn. Nhưng đó là so với chúng ta còn so với các nước khác, chúng ta vẫn chậm. Không nên tự mãn vì những gì đã làm được, muốn đi lên, ta phải bỏ đi cái không phù hợp, cái đã cũ gây tổn hại cho nền kinh tế.

Để vượt qua các thách thức trên, bà Lan cho rằng công cuộc đổi mới cần được tiếp tục bắt nguồn từ cải cách tư duy về kinh tế. “Sự trưởng thành và phát triển đó, không ai phủ nhận. Nhưng nếu đặt trong tương quan so sánh với các nước khác, chúng ta thấy sự phát triển đó chưa đạt so với tiềm lực của chúng ta”, bà Lan khẳng định.