Trong đó, các nhóm hàng Đồng Nai có kim ngạch xuất khẩu lớn và xuất siêu cao gồm: giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, dệt may. Đặc biệt, giày dép xuất siêu hơn 1 tỷ USD, cà phê xuất siêu đạt hơn 600 triệu USD.
Sở Công Thương cho biết, hiện các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo yêu cầu của đối tác.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai cũng như cả nước trong tháng 5, 6 năm 2025 được dự báo có mức tăng trưởng khá. Nếu sau đó, Chính phủ đàm phán được với Mỹ không tăng thuế đối ứng lên 46% thì xuất khẩu tiếp tục có mức tăng trưởng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm thêm thị trường mới để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất khi căng thẳng thương mại trên thế giới tiếp tục leo thang.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.
Sáng 29/4, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Nai năm 2025.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai về kết quả lấy ý kiến cử tri, tại tỉnh Bình Phước có 97% số cử tri thống nhất chủ trương sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính với tỉnh Đồng Nai; Tỉnh Đồng Nai có 95% số cử tri thống nhất chủ trương sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính với tỉnh Bình Phước.
Tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập có diện tích hơn 12.700km2 , quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.
Hai địa phương này thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế; còn tỉnh Bình Phước đang vươn lên phát triển năng động, cân bằng giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.
Tỉnh Đồng Nai mới sẽ nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ vào vùng Nam Bộ. Đồng Nai cùng với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và vùng Nam Bộ Việt Nam, đồng thời tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới.