Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất – kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và minh bạch.

Ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hoặc là cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, đồng thời quy định chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, doanh nghiệp sử dụng vốn ảo, khai khống...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc bổ sung các quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải nâng cao trách nhiệm trong công tác hậu kiểm, nhất là đối với tình trạng doanh nghiệp ma, vốn ảo hoặc các hành vi núp bóng góp vốn, mua cổ phần để chi phối và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo Luật cũng bãi bỏ hai nội dung nhằm giảm bớt giấy tờ doanh nghiệp, cá nhân phải nộp, đồng thời giản lược thông tin doanh nghiệp cần kê khai với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đặc biệt, việc xác thực định danh cá nhân thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ đầu, mà không ảnh hưởng đến quyền tự do gia nhập thị trường hay làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ngăn chặn tình trạng lập doanh nghiệp ma, tăng vốn ảo

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính, trình bày tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi khẳng định, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết và cơ sở chính trị, thực tiễn để xây dựng dự án Luật, đồng thời đề xuất trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng việc bổ sung quy định và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp với định hướng đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi chủ thể doanh nghiệp cần kê khai thông tin, trên cơ sở tận dụng hiệu quả dữ liệu có sẵn và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp. Điều này giúp giảm chi phí tuân thủ, đồng thời cần có quy định chuyển tiếp phù hợp, khả thi với các doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật có hiệu lực.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật và bảo đảm hiệu quả thi hành theo thủ tục rút gọn, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật, đáp ứng yêu cầu của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế); không mâu thuẫn với các quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền; đồng thời không gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định hợp lý, khả thi và giảm chi phí tuân thủ.

Chính phủ cũng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện; tránh tạo thêm áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp, mà ngược lại, tạo môi trường thuận lợi tối đa để doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh với chi phí thấp.

Cuối cùng, cần nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ và có khả năng kết nối, chia sẻ liên thông giữa các cơ quan. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, đặc biệt chú trọng đến thi hành pháp luật, để bảo đảm Việt Nam không bị đưa vào danh sách đen.