Một cánh tay robot cầm cọ đang viết lại cách thế giới nhìn nhận về tranh mực truyền thống Trung Hoa. Đó là AI Gemini, một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và cảm hứng nghệ thuật cổ điển, do nghệ sĩ Victor Wong đến từ Hồng Kông sáng tạo nên.
![]() |
Một cánh tay robot cầm cọ đang viết lại cách thế giới nhìn nhận về tranh mực truyền thống Trung Hoa |
AI Gemini không đơn thuần là một công cụ vẽ tranh. Nó được lập trình để "cảm" dữ liệu từ bản đồ 3D của mặt trăng đến biến động của chỉ số chứng khoán và chuyển hóa những con số ấy thành hình ảnh núi non, sông hồ trên giấy vẽ. Nhờ thuật toán học sâu, AI có thể tự lựa chọn màu sắc, kiểm soát lượng nước theo độ ẩm môi trường để tạo nên những bức tranh sống động, có chiều sâu.
Một bức tranh do AI Gemini thực hiện thường có kích thước khoảng một mét, mất từ tám đến mười tiếng để hoàn thành. Những tác phẩm này đã được trưng bày tại các triển lãm ở Hồng Kông, Thượng Hải, Đài Bắc và London, và được bán với giá trung bình khoảng 20.000 USD cho các nhà sưu tập tư nhân. Wong cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có hãng hàng không Cathay Pacific.
Sự xuất hiện của AI trong lĩnh vực nghệ thuật đã gây ra nhiều tranh luận. Một phiên đấu giá tranh do AI tạo ra tại New York từng bị hơn 6.500 người phản đối nhưng vẫn thu về 729.000 USD. Nhiều nghệ sĩ cho rằng AI thiếu tính sáng tạo thật sự và thường sử dụng hình ảnh có bản quyền để huấn luyện.
Wong phản bác điều đó. Ông không để AI sao chép tác phẩm sẵn có, mà viết thuật toán để máy mô phỏng quá trình làm việc của các bậc thầy. Theo ông, điều này giúp tác phẩm có tính nguyên bản, dù một số người xem vẫn nghi ngờ và thốt lên rằng đó không phải là nghệ thuật.
Với Wong, công nghệ và nghệ thuật vốn chưa từng tách rời. Ông dẫn chứng rằng cây bút lông từng mở ra kỷ nguyên thư pháp ở Trung Quốc thời nhà Hán, còn phối cảnh tuyến tính từng làm nên đột phá trong hội họa Phục Hưng. Những công cụ mới luôn là một phần trong quá trình sáng tạo, và AI cũng không ngoại lệ.