Thời gian gần đây, hàu vàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn, giá bán sỉ chỉ 30.000 - 47.000 đồng/kg, hình thức bắt mắt khiến dễ dàng lấn lướt hàu nuôi trong nước.
Các chợ miền Bắc ngập tràn hàu vàng Trung Quốc
Hàu vàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn, giá bán sỉ chỉ 30.000 - 47.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ

Khoảng một tháng trở lại đây, các chợ miền Bắc ngập tràn hàu vàng Trung Quốc. Trên mạng xã hội, loại hàu này cũng được rao bán rầm rộ. Theo giới kinh doanh, đây là loại hàu “thịt béo đầy, mười con như một”, có vỏ vàng nhạt, ruột to tròn, rất được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng. Đáng chú ý, dù xuất xứ từ Trung Quốc, không ít nơi vẫn gắn mác hàu sữa Quảng Ninh để dễ bán.

Chị Trần Thu Dung, một đầu mối kinh doanh hàu ở Bắc Kạn, cho biết hiện nay hàu vàng Trung Quốc được khách hàng tìm mua nhiều hơn cả hàu sữa và hàu đại dương. “Tôi bán sỉ với giá 37.000 - 47.000 đồng/kg tùy kích cỡ, bán lẻ thì 3 kg giá 180.000 đồng”, chị chia sẻ.

Ông Ngô Xuân Đằng, một thương lái lớn tại Móng Cái (Quảng Ninh), cho biết với loại hàu vàng 4 - 10 con/kg, nếu khách mua từ một tấn trở lên, giá chỉ còn 30.000 đồng/kg. “Loại này ruột đều, thịt dày, nên các quán ăn, nhà hàng rất thích vì chế biến lời gấp ba lần so với các loại khác”, ông Đằng nói. Theo ông, mỗi ngày có vài container lạnh chở hàu thông quan qua Vân Đồn, Cẩm Phả trước khi tỏa đi các tỉnh.

Không chỉ bán sỉ, trên mạng xã hội, hàu vàng còn được chia nhỏ, tách ruột đóng hộp 1 kg để bán lẻ. Một số cửa hàng thừa nhận đây là hàu Trung Quốc, nhưng không ít nơi vẫn gắn nhãn Quảng Ninh để dễ tiêu thụ.

Trong khi đó, nhiều hệ thống phân phối lớn tỏ ra thận trọng với mặt hàng này. Ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc chuỗi Hải sản Hoàng Gia, cho biết gần đây một số thương lái liên hệ chào bán hàu vàng Trung Quốc, song doanh nghiệp ông từ chối vì không rõ nguồn gốc. “Đây là hàng nhập lậu, không có giấy tờ chứng minh xuất xứ nên chúng tôi không thể đưa vào hệ thống phân phối”, ông nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về quy trình nuôi và điều kiện vệ sinh của loại hàu này.

Ngược lại, người nuôi hàu ở Quảng Ninh đang chịu áp lực lớn khi hàu Trung Quốc tràn vào thị trường. Loại hàu ngoại này có vỏ to, thịt dày, mẫu mã bắt mắt, trong khi hàu địa phương chủ yếu là hàu sữa ươm giống trong nước, nuôi tự nhiên lại nhỏ hơn, thịt không béo bằng, hình thức kém hấp dẫn nên tiêu thụ chậm, giá bị ép xuống thấp. Nhiều hộ cho biết dù sản phẩm an toàn, không sử dụng hóa chất nhưng vẫn gặp khó khăn vì không cạnh tranh nổi về hình thức.

Ông Vũ Viết Vương, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Thành Công (huyện Vân Đồn cũ), cho hay gia đình ông nuôi hàu trên diện tích 6ha, sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. “Trước đây, mỗi ngày tôi bán được 5 - 7 tấn, nay chỉ còn 3 - 4 tạ. Giá tại bãi giảm còn 18.000 đồng/kg, mất 30 - 40% so với trước, người nuôi hầu như không có lãi”, ông nói.

Ông Vương cho biết hàu Trung Quốc thường được nuôi theo kiểu “vỗ béo”, không để sinh sản nhằm tăng nhanh trọng lượng. Loại này từng bị nghi ngờ sử dụng hóa chất bảo quản, bởi trước đây khi tách vỏ để ngoài không lạnh, hàu vẫn không có mùi hôi. Tuy nhiên, do hiện nay bị siết chặt kiểm tra, hàu nhập không còn được xử lý như trước nên chỉ cần để quá một ngày là đã bốc mùi.

Ông cũng lo ngại về nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi các loại hải sản không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch vẫn dễ dàng len lỏi vào bữa ăn của người dân.

Để kiểm soát tình hình, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm. Trong hai ngày 28 - 29/6, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện hơn 9 tấn ngao và gần 8 tấn hàu sữa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá hơn 670 triệu đồng. Toàn bộ số hàng vi phạm đã bị lập biên bản, tịch thu và tiêu hủy.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện lô hàng 63 tấn hàu giống nhập lậu, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Do có dấu hiệu vi phạm hình sự, vụ việc đã được chuyển cho cơ quan tố tụng để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Đại diện quản lý thị trường cho biết các đợt kiểm tra sẽ được tiếp tục triển khai nhằm siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng cũng như tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho người nuôi trong nước.