Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, trong quý I/2025, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút khoảng 419 triệu USD vốn đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 125 triệu USD, vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt 6.918 tỷ đồng.
Trong ba tháng đầu năm, các khu công nghiệp như An Phát 1, Kim Thành 2 (giai đoạn 1), Cẩm Điền - Lương Điền, Cộng Hòa, Lai Cách, Lai Vu, Phúc Điền mở rộng, Phú Thái, Gia Lộc, Đại An... đã thu hút các dự án đầu tư với tổng vốn đạt khoảng 419 triệu USD.
Hiện nay, toàn tỉnh có 18 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trong đó có hai dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 74 triệu USD và 16 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 23.614 tỷ đồng. Đồng thời, có 432 dự án đầu tư thứ cấp, bao gồm 334 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD và 98 dự án DDI với tổng vốn đăng ký khoảng 22.796 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 1 tỷ USD trở lên và DDI trên 8.500 tỷ đồng trong năm 2025, Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương và các chủ đầu tư hạ tầng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể.
Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An tập trung thu hút vốn đầu tư vào KCN Đại An mở rộng, với vốn FDI kỳ vọng đạt 500 triệu USD, DDI đạt 1.700 tỷ đồng. Công ty TNHH Đại Dương hướng đến thu hút đầu tư vào KCN Lai Cách, với vốn FDI đạt 150 triệu USD và DDI đạt 500 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút vào KCN Phúc Điền mở rộng với vốn FDI đạt 100 triệu USD, DDI đạt 2.000 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Lai Vu kỳ vọng thu hút đầu tư vào KCN Lai Vu với số vốn DDI đạt 1.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần KCN kỹ thuật cao An Phát 1 đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào KCN An Phát 1 với vốn FDI đạt 25 triệu USD.
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Nam Quang hướng đến thu hút vốn vào KCN Gia Lộc với vốn FDI đạt 100 triệu USD, vốn DDI đạt 500 tỷ đồng. Công ty cổ phần Coma 18 kỳ vọng thu hút đầu tư vào KCN Kim Thành với 50 triệu USD vốn FDI và 100 tỷ đồng vốn DDI. Công ty cổ phần KCN Lương Điền – Ngọc Liên đặt mục tiêu thu hút vào KCN Lương Điền – Ngọc Liên 25 triệu USD vốn FDI và 100 tỷ đồng vốn DDI. Các khu công nghiệp còn lại phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt 50 triệu USD và 100 tỷ đồng.
![]() |
Các khu công nghiệp tại Hải Dương thu hút 419 triệu USD vốn FDI trong quý I/2025. |
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay Ban quản lý đã đẩy mạnh cải cách hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được niêm yết công khai tại Trung tâm hành chính công của tỉnh và đăng tải trên Cổng thông tin dữ liệu thủ tục hành chính cùng với website của Ban.
Từ đầu năm 2025, Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương đã tiếp nhận 109 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng, lao động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong đó có 12 hồ sơ trực tuyến, cùng 25 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang. Đến nay, Ban đã giải quyết 95 bộ hồ sơ, trong đó có 93 hồ sơ được giải quyết trước hạn, số còn lại đang tiếp tục được xử lý.
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Dương được chấp thuận phát triển 32 khu công nghiệp với tổng quy mô khoảng 5.661ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập 18 khu công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch xây dựng trên 2.973ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 58%.
Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh cũng xác định giai đoạn 2021-2030, Hải Dương sẽ đặt nền móng cho một khu kinh tế chuyên biệt làm động lực phát triển của tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn sau năm 2025. Khu kinh tế chuyên biệt này dự kiến trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc, thúc đẩy các khu công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế chuyên ngành, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm của đồng bằng sông Hồng.
Khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện, với tổng diện tích khoảng 5.300ha, trong đó huyện Thanh Miện chiếm 3.367ha, huyện Bình Giang khoảng 1.933ha.
Khu kinh tế chuyên biệt dự kiến bao gồm năm phân khu chức năng, trong đó hình thành 11 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.813,67ha, bốn cụm công nghiệp với tổng diện tích 199,04ha. Khu thương mại dịch vụ, logistics, khu phi thuế quan có diện tích 230ha, khu trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đào tạo rộng khoảng 60ha.
Theo tính toán, khu kinh tế chuyên biệt dự kiến đóng góp khoảng 8-15% vào GRDP của tỉnh Hải Dương vào năm 2030 và các năm sau đó.
Nghị định 91 năm 2021 của Chính phủ quy định vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang và Thái Nguyên. Trong số này, duy nhất Hải Dương không giáp Hà Nội.