Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, Gói thầu số 11 là gói thầu xây lắp được khởi công sớm nhất của dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công vào tháng 6/2023). Gói thầu có giá trị hơn 2.290 tỷ đồng này do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - CTCP Đầu tư Xây lắp miền Nam - Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HoSE: VCG) đảm nhiệm thi công trong thời gian 1.260 ngày.

Tuy nhiên, sau gần 7 tháng khởi công, Gói thầu số 11 mới đạt khối lượng thi công khoảng 20 tỷ đồng, tương đương 0,87% giá trị hợp đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, liên danh nhà thầu đã huy động nhân sự, tập kết máy móc, thiết bị sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu cát, đến nay các nhà thầu mới chỉ có thể tập trung lập thiết kế bản vẽ thi công, thi công vét hữu cơ, đào nền đường công vụ, triển khai thi công một số cầu không vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và có đường vận chuyển.

Các liên danh VCG, CC1, C4G gặp khó khi thi công gói thầu gần 12.000 tỷ đồng
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến đường quan trọng theo trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang.

Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng. Với kế hoạch vốn được bố trí cho Dự án trong năm 2023 là hơn 1.449 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng đã phân bổ 100% kế hoạch vốn.

Ngoài Gói thầu số 11 nói trên trên, dự án thành phần 4 có 3 gói thầu xây lắp khác vừa mới hoàn tất lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.

Theo đó, Gói thầu số 9 do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - CTCP Xây dựng Tân Nam - CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - CTCP Đầu tư và Xây dựng 515 - Tổng Công ty Thành An đảm nhiệm, giá trị hơn 2.359 tỷ đồng.

Gói thầu số 10 do Liên danh CTCP Hải Đăng - CTCP Tập đoàn Đạt Phương (UPCOM: C4G) - CTCP Đầu tư Xây lắp 6 - CTCP Vinadelta - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Vinaconex đảm nhiệm, giá trị 2.444 tỷ đồng.

Gói thầu số 12 do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCOM: CC1) - CTCP Xây dựng cầu 75 - CTCP Thương mại và Xây dựng Phương Đông - CTCP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - CTCP Đầu tư Xây dựng ĐMA - Tổng Công ty Thành An đảm nhiệm, giá trị 2.100 tỷ đồng.

Hợp đồng xây lắp cả 3 gói thầu xây lắp được ký vào tháng 11/2023 và cùng có thời gian thực hiện 1.260 ngày. Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (chủ đầu tư) cho biết đang cùng các nhà thầu hoàn thiện công tác chuẩn bị để triển khai thi công.

Theo ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, khối lượng thi công dự án thành phần 4 chưa đáng kể, nút thắt lớn nhất vẫn là tình trạng thiếu nguồn cát đắp nền. Ngoài ra, công tác GPMB tính tới 31/12/2023 chưa đạt 100% như kế hoạch. Trên địa bàn vẫn còn 9 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ, bồi thường để bàn giao mặt bằng, do các hộ dân này bị ảnh hưởng lớn về tài sản nhà đất. Có trường hợp nhà có kết cấu phức tạp, phải thuê đơn vị tư vấn để xác định, thẩm định giá tài sản nên mất nhiều thời gian để thực hiện.

“Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng triển khai trong khu vực nền đất yếu, nền đường phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu cát đắp nền; tỉnh Sóc Trăng cũng không có mỏ đá, đất sét đắp lề nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình”, ông Huỳnh Phước Thái nói và cho biết thêm, tỉnh Sóc Trăng đã đăng ký 7 mỏ cát cung cấp cho dự án thành phần 4, trong đó đã hoàn thành thủ tục khai thác và bàn giao 5 mỏ cát cho nhà thầu. Nhìn chung, công tác lập thủ tục khai thác mỏ cát mới còn chậm do phải trải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang kiến nghị các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ các vướng mắc. Cụ thể, do chưa xác định được giá cát, giá đất cụ thể tại thời điểm ký kết hợp đồng xây lắp (vì chưa xác định được mỏ, chưa giao mỏ, chưa xác định được chi phí khai thác) nên giá cát, giá đất đắp trong hợp đồng chỉ là dự kiến. Sau khi giao mỏ cho nhà thầu tổ chức khai thác cát, chủ đầu tư mới tổ chức xây dựng lại giá cát và điều chỉnh lại hợp đồng. Việc này chưa có tiền lệ, do đó tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện quy trình này, hỗ trợ chuyên môn để địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, tiến độ dự án thành phần 4. Đồng thời, tỉnh kiến nghị sớm triển khai, hướng dẫn việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho công trình đường cao tốc.

Khó khăn khác Sóc Trăng gặp phải là xác định giá cát đắp nền tại mỏ trong trường hợp giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định trữ lượng các mỏ vật liệu thông thường tại Đồng bằng sông Cửu Long nên khả năng có hoặc không điều tiết cho các tỉnh khan hiếm nguồn vật liệu, dẫn tới tình trạng chưa có cơ sở tính toán lập dự toán xây dựng và triển khai cho dự án. Sóc Trăng cũng đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Theo một nhà thầu, nếu các khó khăn, vướng mắc không sớm tháo gỡ, tiến độ thi công sẽ khó có thể đẩy nhanh. Hệ quả không chỉ ảnh hưởng về tiến độ chung của toàn bộ Dự án mà nhà thầu có thể chịu những rủi ro bởi không lượng định được thị trường vật liệu xây dựng. Việc chậm xác định giá cát, giá đất cụ thể so với thời điểm ký kết hợp đồng xây lắp, đặc biệt khi thị trường có biến động lớn, có thể phát sinh những khó khăn khi thương thảo ký phụ lục hợp đồng.