Một trong những nhà buôn hàng hóa nông sản lớn nhất thế giới cho biết thế giới đang hướng đến "chiến tranh lương thực" khi căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu đẩy các quốc gia vào xung đột lợi ích do nguồn cung suy giảm.

Các nhà giao dịch hàng hóa lớn cảnh báo thế giới đang đứng trước 'chiến tranh lương thực'
Thu hoạch lúa mì ở châu Phi

“Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến dầu mỏ. Sắp tới, chúng ta sẽ tiến hành những cuộc chiến lớn hơn vì lương thực và nước sạch" - Sunny Verghese, Giám đốc điều hành của Olam Agri, một công ty kinh doanh nông sản có trụ sở tại Singapore, cho biết.

Phát biểu tại hội nghị người tiêu dùng Redburn Atlantic và Rothschild tuần trước, ông Verghese cảnh báo rằng các rào cản thương mại do các Chính phủ áp đặt nhằm củng cố nguồn dự trữ lương thực trong nước đã làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực.

Các nhà kinh doanh hàng hóa nông nghiệp lớn, thu được lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022 sau khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine khiến giá lương thực tăng vọt, đã bị cáo buộc làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực thông qua việc tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Verghese lập luận rằng lạm phát giá lương thực tăng cao một phần là do sự can thiệp của Chính phủ. Sự gia tăng các rào cản thương mại phi thuế quan vào năm 2022 để ứng phó với chiến tranh — 1.266 từ 154 quốc gia theo thống kê của ông — đã “tạo ra sự mất cân bằng cung-cầu quá mức”, ông nói.

Verghese cho biết, các nước giàu hơn đang tích lũy thặng dư các mặt hàng chiến lược, dẫn đến nhu cầu tăng cao và do đó giá cả cao hơn. “Ấn Độ, Trung Quốc, mọi nước đều có dự trữ đệm,” ông nói. “Điều đó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề toàn cầu.”

Giá thực phẩm bắt đầu tăng sau đại dịch Covid-19 và tăng vọt sau khi Nga đưa quân tới Ukraine và một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bị cản trở do xung đột. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo hơn và khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Với sự gia tăng này và biến đổi khí hậu cản trở sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, các chính phủ đang ngày càng chuyển sang các chính sách bảo hộ.

Năm 2022, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ để bảo vệ thị trường địa phương trong khi năm ngoái Ấn Độ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo nhằm nỗ lực kiềm chế giá nội địa tăng trước cuộc bầu cử quốc hội, sau khi gió mùa biến động làm gián đoạn sản xuất và làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thiếu hụt.

“Đó chính xác là điều sai lầm,” Verghese nói. “Bạn sẽ thấy ngày càng nhiều điều đó.”

Ngành kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp, nơi cung cấp nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và chất xơ cho các thương hiệu toàn cầu từ Nestlé đến Unilever, đã trải qua một năm khó khăn.

Các nhà giao dịch hàng hóa lớn cảnh báo thế giới đang đứng trước 'chiến tranh lương thực'
Nông dân trồng lúa nước ở Algeria

Trong khi đó, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà cung cấp thực phẩm ở Châu Phi. Trước đây, Châu Phi từng là lục địa xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp lớn; vào những năm 1960, khi các cường quốc thực dân châu Âu dần rút lui, lục địa này đã sản xuất phần lớn ca cao, cà phê và dầu cọ của thế giới.

Ghana và Bờ Biển Ngà vẫn thống trị sản lượng ca cao toàn cầu, nhưng điều đó không làm cho nền kinh tế của họ trở nên giàu có. Trước đợt tăng giá ca cao gần đây, trong nhiều thập kỷ, mặt hàng thô này đã được xuất khẩu với giá thấp một cách thảm hại. Tổ chức Fairtrade Foundation, một tổ chức phi chính phủ, ước tính rằng nông dân trồng ca cao chỉ nhận được khoảng 6% giá trị cuối cùng của một thanh sô cô la.

Hiện nay, Châu Phi vẫn là nơi nhập khẩu lương thực lớn, nhưng những nhà quan sát thị trường lạc quan cho rằng các giống hạt giống tốt hơn và sử dụng nhiều phân bón hơn có khả năng mang lại sự chuyển đổi vị thế về nông nghiệp cho nông dân “lục địa đen”.

Công ty Olam Agri, chuyên chế biến và cung cấp ngũ cốc, hạt có dầu, dầu ăn, gạo và bông, là một phần của Tập đoàn Olam. Nhà cung cấp này chiếm thị phần lớn ở châu Á và châu Phi, đã bị chính quyền Nigeria điều tra vào năm ngoái sau khi có tin tức cho rằng họ có liên quan đến một vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ đô la. Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt vào tháng 2 khi công ty được xóa bỏ các hành vi sai trái.

Tập đoàn Olam cũng buộc phải đưa ra cảnh báo lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023. Ngay cả sau nửa cuối năm khả quan hơn, tập đoàn này vẫn báo cáo lợi nhuận cả năm giảm 56% xuống còn 278,7 triệu đô la Singapore (205 triệu đô la Mỹ), lý do là do lãi suất cao và “tổn thất đặc biệt” từ các vườn hạnh nhân ở Australia.

Tập đoàn cho biết lợi nhuận sụt giảm một phần là do khoản đóng góp từ Olam Agri thấp hơn, sau khi bán 35% cổ phần của doanh nghiệp vào năm 2022 cho một công ty con của Quỹ đầu tư công của Ả Rập Saudi với giá 1,24 tỷ USD. Olam Agri hiện được sở hữu 51% bởi công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore.

Tập đoàn Olam từ lâu đã có kế hoạch niêm yết Olam Agri tại Ả Rập Xê Út, nhưng kế hoạch này đã nhiều lần bị trì hoãn kể từ khi bộ phận kinh doanh này tách khỏi mảng kinh doanh nguyên liệu thực phẩm vào năm 2020. Có trụ sở chính tại London, Olam Food Ingredients là một trong những nhà cung cấp ca cao, cà phê, các loại hạt và gia vị lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu đến sản lượng toàn cầu cũng đang được các nhà phân tích quan tâm. Ông Verghese kêu gọi các giám đốc điều hành ngành công nghiệp tiêu dùng, bao gồm cả các ông chủ của Coca-Cola và Associated British Foods, hãy "thức tỉnh" và hành động nhiều hơn về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông lập luận rằng các chính phủ nên tính mức thuế carbon cho các ngành nông nghiệp. Vừa qua, Đan Mạch đã là nước đi đầu trong việc phê chuẩn áp dụng thuế phát thải carbon đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Mặc dù vấp phải những tranh cãi về thiệt hại cho nông dân trong ngắn hạn, đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Chính sách này không chỉ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển đổi sang các phương thức sản xuất thân thiện hơn với môi trường.