Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (ngày 20/6/2022), VN-Index chính thức văng khỏi mốc 1.200 xuống còn 1.180,4 điểm, tương ứng đã giảm 347 điểm kể từ đỉnh lịch sử lập vào hồi đầu năm.

Theo nhịp điều chỉnh của thị trường, đa số các cổ phiếu đã bốc hơi từ 20% trở lên thậm chí nhiều mã mất đến 70, 80% sau nhiều phiên "đỏ rực" và ''xanh lơ".

Diễn biến trên đã khiến số lượng cổ phiếu trà dá trên thị trường gia tăng đột biến. Lượng cổ phiếu có mức giá dưới 5.000 đồng/cp trên cả 3 sàn giao dịch hiện lên đến 194 mã (HOSE: 20 mã; HNX: 28 mã; UPCoM: 146 mã).

Trong bối cảnh đó, hành động và tâm lý của nhà đầu tư diễn biến trái chiều. Một bên mua trúng thời kỳ suy giảm phải ôm khoản lỗ lớn đã bất chấp cắt loss rút chân khỏi thị trường. Bên đối lập lại đánh giá thị trường đang rẻ và kháo nhau all in làm của hồi môn" cho con cháu. Câu hỏi đặt ra là có nên gom cổ phiếu "trà đá" chờ thời? Vịt con xấu xị liệu có một lần nữa hóa thiên nga.

Ông Nguyễn Anh Vũ, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết một cổ phiếu có 4 loại giá: mệnh giá, giá trị sổ sách, giá thị trường và giá trị nội tại.

Theo đó, ông Vũ nhận định "Nhìn lướt qua một cổ phiếu có giá 2.000 - 3.000 đồng thì thấp, nhưng rẻ hay không cũng phụ thuộc sức khỏe doanh nghiệp trong hiện tại và tiềm lực tương lai. Nếu doanh nghiệp làm ăn sa sút, mục rỗng bên trong, sắp bị hủy niêm yết, sắp phá sản... thì 2.000 - 3.000 đồng cũng chưa chắc rẻ, nhiều khi còn đắt".

Trường hợp bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu thường lao dốc mạnh, thanh khoản chạm đáy, đôi khi không xuất hiện giao dịch, nhà đầu tư khó cắt lỗ, bị "chôn vốn". Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư phải chờ mòn mỏi để nhận được một phần tiền từ thanh lý tài sản.

Cũng theo ông Vũ, lựa chọn mua cổ phiếu đang bị giảm giá sâu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt, hay mua "cổ phiếu trà đá", "cổ phiếu rác", tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Nếu đó là một doanh nghiệp có nội lực tốt, hoạt động trong ngành nghề hứa hẹn tiềm năng lợi nhuận cao, nếu nhà đầu tư nào đồng hành trong lúc doanh nghiệp khó khăn thì nhiều khả năng sẽ được đền đáp xứng đáng".

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc đầu tư, kinh tế gia trưởng Dragon Capital chia sẻ tại Hội nghị Invest ASEAN  "Vào năm 2012 khi lạm phát cao, nền kinh tế đi xuống, VN-Index chạm đáy 350 điểm, nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhưng hai quỹ đầu tư nổi tiếng nói rằng thị trường Việt Nam đang "ngồi trên mỏ vàng".

10 năm sau nhiều cổ phiếu đã tăng 30-50 lần, nhận định trên đã đúng. Hiện chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn khu vực, nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng, thị trường được nâng hạng, rõ ràng "chúng ta đang nằm trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới".

Tuy nhiên, cần lưu ý vàng ròng chỉ dành cho người biết chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm, và không phải lúc nào "rác" cũng hóa thành vàng.