Không chọn bắt đầu từ những khẩu hiệu hô hào, kỹ sư Hồ Quang Cua – cha đẻ gạo ST25, kể về hành trình hàng chục năm gắn bó với nông nghiệp tuần hoàn bằng những hình ảnh giản dị: Con rầy, cây lúa, nấm xanh ký sinh và đất khỏe. Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, ông khẳng định mình đã và đang thực hành Net Zero theo cách rất Việt Nam.
Ký ức về một vụ rầy nâu năm 1991 vẫn còn nguyên trong tâm trí kỹ sư Hồ Quang Cua. Ông kể, khi đó, trên 30.000 ha lúa giống IR42 ở Mỹ Xuyên và hai huyện lân cận bị rầy tấn công, thuốc hóa học trong kho Nhà nước đã cấp phát hết, không còn gì để cứu. "Tôi lặng lẽ quay về và nghĩ thế này thì chỉ có trời cứu”.
Và trời đã cứu thật, 10 ngày sau, rầy chết hàng loạt bởi nấm xanh ký sinh – một lực lượng thiên địch tự nhiên kỳ diệu mà không ai lập kế hoạch. Hàng vạn hộ nông dân tránh được đói nghèo. "Đó là lúc tôi thấm thía sức mạnh của tự nhiên, và quyết tâm theo đuổi mô hình canh tác hòa hợp với hệ sinh thái", ông chia sẻ.
![]() |
Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: QĐ. |
Ông cho hay: Từ năm 1993, ông tiếp cận tài liệu IPSM (Quản lý tổng hợp thổ nhưỡng) - một phương pháp kết hợp liên ngành giữa giống, đất, nước, phân bón, sinh vật hữu ích và bảo vệ thực vật. Không chạy theo thuốc trừ sâu hay phân hóa học, IPSM đề cao nguyên lý “cây khỏe từ đất khỏe”, sinh thái đồng ruộng hài hòa và vai trò của vi sinh vật.
“Sau 30 năm thực hành IPM, thiên địch giảm sút nghiêm trọng, đất đai suy thoái. Nhưng IPSM thì khác – nó là nông nghiệp tuần hoàn với cơ sở khoa học vững chắc, là con đường đưa chúng ta đến Net Zero”, ông nhận định.
Kỹ sư Hồ Quang Cua trình bày rõ ràng chuỗi logic: Muốn Net Zero, phải tuần hoàn. Muốn tuần hoàn, phải bắt đầu từ đất. Muốn đất khỏe, cần giảm phân tổng hợp, tăng hữu cơ, trả lại hệ sinh vật có lợi cho đất.
“Chúng tôi dùng phân hữu cơ, humate, các chủng vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân, xử lý rơm rạ để tái tạo kali tự nhiên và làm đất tơi xốp. Đồng ruộng ngập nước nhưng vẫn sống động bởi trùng, dế và hệ vi sinh vật”, ông Cua chia sẻ.
Quan trọng hơn, từ năm 2020, ông cùng cộng sự đã triển khai mô hình canh tác ST25 – lúa tôm – trên quy mô hàng ngàn hecta tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Giải pháp “rút khô giữa mùa và cuối mùa” giúp lúa phát triển rễ tốt, tăng năng suất, giảm đổ ngã, đồng thời thúc đẩy vi sinh vật phân hủy hữu cơ – một giải pháp then chốt để giảm phát thải khí nhà kính.
Điều đặc biệt là giống lúa ST25 từng đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới, lại chính là “công cụ chiến lược” để chuyển đổi mô hình Net Zero cho đồng bằng sông Cửu Long. Bởi ST25 có chu kỳ ngắn, dễ cơ giới hóa, phù hợp với vùng lúa – tôm ven biển, năng suất cao, giá bán tốt, và đặc biệt là thơm hơn khi canh tác theo mô hình tuần hoàn.
“Năm nay, giá bán tại ruộng có lúc lên tới 13.000 đồng/kg. Thu hoạch bằng máy giảm chi phí 75%, lợi nhuận cao gấp đôi so với lúa thường. Chênh lệch 18 triệu đồng/ha là minh chứng rõ ràng nhất”, ông nói.
Trên quy mô 100.000 ha, mô hình lúa ST24, ST25 đã giúp tăng thêm ít nhất 1.800 tỷ đồng mỗi năm – chưa kể đến lợi ích môi trường và thương hiệu quốc gia.
Cũng theo ông Hồ Quang Cua, bán đảo Cà Mau từng là nơi đất lúa long đong vì độ mặn cao. Nhưng khi nông dân được phép chuyển đổi, mô hình lúa – tôm dần hình thành, tạo nên hệ sinh thái bền vững, kết hợp mùa khô nuôi tôm, mùa mưa trồng lúa.
Nhờ ST25, cộng với canh tác hữu cơ và giải pháp rút nước phù hợp, các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu đã định hình một vùng sản xuất gạo chất lượng cao, giảm phát thải rõ rệt, đúng với tiêu chí đề án “Phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp” của Chính phủ.
“Chúng tôi không kêu gọi nông dân thay đổi bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng lợi ích rõ ràng: Giá bán cao hơn, chi phí thấp hơn, đất khỏe hơn, môi trường trong lành hơn. Đó là con đường phát triển xanh bền vững nhất”, ông khẳng định.
Đáng chú ý, ông đề xuất thẳng thắn, các doanh nghiệp công nghiệp cần tín chỉ carbon nên hợp tác cùng địa phương và nông dân đang thực hành mô hình Net Zero. Số tiền thu từ bán tín chỉ nên đầu tư lại cho cộng đồng bằng các công trình công ích.
“Làm như vậy mới đúng tinh thần nông nghiệp tuần hoàn – không chỉ tuần hoàn chất, mà còn tuần hoàn giá trị và lợi ích”, ông nói.