![]() |
Nguồn ảnh: TTXVN |
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT – khẳng định mục tiêu hoàn thành và thông tuyến dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vào cuối năm 2025, đưa vào phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2026.
Dự án dài 121km, tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 93,35km với hơn 14.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 mở rộng toàn tuyến và xây mới 27,71km, nối đến cửa khẩu Trà Lĩnh với vốn đầu tư hơn 10.295 tỷ đồng. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả, ICV Việt Nam, Hạ tầng giao thông Đèo Cả và CTCP Xây dựng Công trình 568 là đơn vị thực hiện.
Ông Lê Hải Hoà – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – đánh giá cao vai trò tiên phong của Đèo Cả trong việc tái cấu trúc dự án, rút ngắn chiều dài và giảm một nửa tổng mức đầu tư so với ban đầu (khoảng 47.000 tỷ đồng). Đặc biệt, mô hình đầu tư PPP++ do Đèo Cả đề xuất lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, tạo cơ chế liên kết ba bên: Nhà nước – doanh nghiệp – địa phương, đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn qua lợi nhuận thi công, trái phiếu, cổ phiếu, hợp đồng BCC…
Dự án đã được Thủ tướng phát lệnh khởi công vào ngày 1/1/2024. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành và thông tuyến vào ngày 19/12/2025 – sớm một năm so với tiến độ trong hợp đồng. Giai đoạn 2, kết nối tới cửa khẩu Tà Lùng, dự kiến khởi công vào ngày 19/8 tới.
![]() |
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (Nguồn ảnh: Deoca.vn) |
Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Đèo Cả đang hướng đến các siêu dự án giao thông quy mô quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (67 tỷ USD), các tuyến metro, đặc biệt là đại lộ ven sông Hồng.
Từ tháng 11/2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy cho biết Đèo Cả đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia các dự án này. Doanh nghiệp khai giảng hai khóa đào tạo chuyên ngành đường sắt cho 200 kỹ sư, thành lập trung tâm huấn luyện tại công trường nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật thực địa, với các nội dung về an toàn lao động, môi trường và công nghệ thi công tiên tiến.
Về công nghệ, Đèo Cả đã tổ chức các đoàn công tác sang Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu để học hỏi mô hình, đồng thời mời gọi hợp tác quốc tế. Mục tiêu là từng bước chuyển đổi số và sản xuất đầu máy, toa xe trong nước, tiến tới làm chủ chuỗi cung ứng thiết bị đường sắt.
Ông Huy đề xuất chia nhỏ gói thầu đường sắt tốc độ cao thành hai hợp phần: phần hạ tầng (cầu, hầm, đường) giao cho doanh nghiệp trong nước theo hình thức chỉ định thầu; phần đầu máy, tín hiệu… nên thực hiện liên danh với đối tác nước ngoài, nhằm tiếp cận công nghệ mới và từng bước làm chủ vận hành.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của hành lang pháp lý đầy đủ và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chi phí và thúc đẩy nội địa hóa trong các công trình hạ tầng chiến lược.