Kataifi (hay còn gọi là sợi Fillo) bột mì được kéo thành sợi cực mảnh, có kích thước bằng khoảng 1/3 sợi bún Việt). Đây vốn là nguyên liệu truyền thống trong ẩm thực Địa Trung Hải và Trung Đông. Với cấu trúc mỏng dẹt, sợi Kataifi tạo ưu thế vượt trội trong chế biến tôm, cá xuất khẩu tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Đặc biệt, sau khi chiên, sợi sẽ giòn thơm, không hút dầu và giữ hình dáng bắt mắt, cùng khả năng giữ độ ẩm bên trong, giúp sản phẩm đạt tính thẩm mỹ và chất lượng ổn định khi sản xuất hàng loạt.

Việc một doanh nghiệp Việt lần đầu tiên sản xuất thành công sợi Kataifi theo tiêu chuẩn quốc tế cho phép chủ động kiểm soát giá thành, tiến độ giao hàng và hỗ trợ kỹ thuật từ gốc. Sản phẩm tương thích nhiều màu sắc tự nhiên như trắng, vàng, cam và xanh lá, mở rộng cơ hội sáng tạo trong trình bày sản phẩm chế biến cho các doanh nghiệp thủy sản và chuỗi nhà hàng – khách sạn. Ngoài nhánh sợi nguyên dạng, doanh nghiệp còn phát triển “Kataifi vụn” để linh hoạt ứng dụng trong nhiều phân khúc thị trường.

Không phải tôm cá, ngành thủy sản Việt Nam có mặt hàng xuất khẩu mới, là 'sợi vàng' sản xuất theo chuẩn quốc tế
Đây là đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công sợi Kataifi theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa

Ngành thủy sản Việt Nam là ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực với kim ngạch 10 tỷ USD năm 2024. Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19%. Trong đó, tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%). Những con số này cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường trọng điểm, chiếm lần lượt 19,6%, 18,2% và 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Với mục tiêu năm 2025 đạt 11 tỷ USD, ngành thủy sản kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng thông qua việc đa dạng hoá sản phẩm tinh chế, nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận sâu hơn vào các thị trường cao cấp.

Đánh giá về sự xuất hiện của Kataifi nội địa, đại diện doanh nghiệp sản xuất chia sẻ: “Việc chủ động sản xuất trong nước cho phép chúng tôi kiểm soát tốt hơn về giá, tiến độ giao hàng và hỗ trợ kỹ thuật tận nơi”. Điều này không chỉ giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà còn tạo lợi thế cạnh tranh về giá thành, thời gian giao nhận và hỗ trợ quy trình sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng lực đàm phán của các doanh nghiệp thủy sản khi xuất khẩu.