Theo Báo Tuổi Trẻ, tại buổi gặp mặt với đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sáng 21/7, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã lắng nghe nhiều kiến nghị về các vấn đề lớn của đất nước. Trong đó, GS. Phan Tiến Đạt - Đại học Kỹ thuật Berlin (Đức) đã đề xuất Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), Hòa Phát (HoSE: HPG) cùng các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác xây dựng và bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đây được coi là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông tương lai của Việt Nam. Với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 67 tỷ USD, công trình đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, quy trình xây dựng nghiêm ngặt và khâu bảo trì lâu dài, tốn kém. Chính vì vậy, GS. Phan Tiến Đạt cho rằng các doanh nghiệp trong nước phải làm chủ công nghệ để tránh phụ thuộc và đảm bảo tính bền vững cho dự án.
![]() |
Ảnh minh họa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Hiện tại, đã có 6 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bao gồm Vingroup (thông qua CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt Tốc độ cao VinSpeed), Tập đoàn Trường Hải (THACO), liên danh Mekolor - Great USA, CTCP Xây dựng Thăng Long Quốc gia và CTCP Vận tải Đường sắt Việt Nam (mã: TRV).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn trong nước cũng đang tích cực chuẩn bị nhằm đón đầu khối lượng xây lắp lên tới 33 tỷ USD, nổi bật là Tập đoàn Đèo Cả, CTCP FECON (HoSE: FCN), Vinaconex (HoSE: VCG). Ở lĩnh vực cung ứng vật liệu, Tập đoàn Hòa Phát đã sẵn sàng tham gia sản xuất thanh ray dài tới 100m cho tuyến đường sắt cao tốc.
Trước sự nhập cuộc mạnh mẽ của khu vực tư nhân, vào cuối tháng 6, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư) và đầu tư kinh doanh cho dự án. Đề xuất này không chỉ phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân mà còn mở đường cho khối doanh nghiệp trong nước tham gia chủ động vào dự án mang tầm vóc quốc gia.
Đánh giá thêm về phương án PPP, theo VnExpress, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng cần đấu thầu công khai, minh bạch với sự tham gia của các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước. “Nhà nước không nên giao cho một doanh nghiệp duy nhất. Nếu dự án gặp rủi ro thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Long đặt vấn đề.
Hiện, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vẫn đang được gấp rút triển khai. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được khởi động vào ngày 19/8 tới, nhằm đảm bảo tiến độ đúng như kế hoạch đã đề ra.