Trong căn phòng trọ nhỏ chỉ vỏn vẹn 15m2 giữa lòng Hà Nội, Cao Minh Ngọc – chàng trai trẻ đến từ Hà Giang đã âm thầm tạo nên những bức tranh thủy tinh tái chế độc đáo. Không chỉ là người làm nghệ thuật, Ngọc còn là đại diện cho thế hệ trẻ biết kiên trì, sáng tạo và sống tử tế từ những điều tưởng chừng như vô nghĩa.
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là cán bộ nhà nước, tuổi thơ của Ngọc gắn liền với tiệm sửa đồ điện nhỏ mà bố anh mở thêm để kiếm thu nhập. Đó cũng là nơi lần đầu cậu học được cách sử dụng máy khoan, máy cắt và nuôi dưỡng sự khéo léo qua đôi bàn tay. “Mình được theo bố học từ những công việc nhỏ nhất từ đấu điện, khoan, cắt vật liệu… Có lẽ nhờ vậy mà sau này bàn tay mình bạo dạn hơn, mình dám cầm máy khoan, máy cắt, không sợ làm đồ thủ công”, Ngọc chia sẻ.
![]() |
Những món đồ cũ được 'tái sinh' qua đôi tay khéo léo của Ngọc |
Trước khi bén duyên với thủy tinh, Ngọc từng thử làm rất nhiều vật dụng tái chế khác nhau từ vỏ lon, gỗ vụn, vải thừa cho đến nắp chai nhựa... Thậm chí, cậu từng cố gắng xây dựng một thương hiệu riêng, đưa các sản phẩm thủ công tiếp cận tới cộng đồng. Nhưng thiếu kinh nghiệm, dự án sớm dở dang. “Mình từng thất bại với thương hiệu Lọ Lamp nên lựa chọn về quê. Khi về quê, nhìn lại những sản phẩm từng làm, mình nhận ra chúng chưa đủ trọn vẹn. Mình phải thay đổi, phải tạo ra những sản phẩm giá trị hơn, mang tính nghệ thuật hơn để có thể tiếp cận nhiều người hơn”, Ngọc kể.
Và thủy tinh – chất liệu từng khiến cậu bị tai nạn khi còn bé đã trở thành lựa chọn định mệnh.
“Thủy tinh là thứ vật liệu vừa nguy hiểm, vừa quyến rũ đến kỳ lạ. Nó rất đỏng đảnh nhưng nếu biết cách cầm, giữ, nắm thì lại rất ngoan. Cũng giống như cuộc sống mình càng hiểu, càng tôn trọng thì càng ít tổn thương”.
![]() |
Một sản phẩm tranh thuỷ tinh độc đáo |
Đầu năm 2023, Cao Minh Ngọc chính thức bắt đầu lại hành trình khởi nghiệp, với chỉ 5 triệu đồng vay từ bố mẹ. Không văn phòng, không xưởng, không nhân viên, Ngọc biến căn phòng trọ nhỏ thành nơi sản xuất, nhận đơn đặt hàng trước rồi dùng tiền cọc để mua nguyên vật liệu. “Ai khi khởi nghiệp cũng nghĩ cần vốn lớn. Nhưng mình học được từ bố mẹ họ cũng đi lên từ hai bàn tay trắng. Mình không huy động vốn từ ai, chính khách hàng là người mang vốn đến cho mình bằng niềm tin của họ”.
Đã có những ngày Ngọc phải gom từng khoản vay nhỏ từ bạn bè mỗi người 100, 200 nghìn để đủ tiền nhập hàng. Nhưng cậu luôn trân trọng điều đó và gửi lại những món quà tái chế nhỏ như một lời cảm ơn. “Nhỏ thôi, nhưng mình tin sự tử tế sẽ luôn quay trở lại”, Ngọc nhớ lại.
Một bức tranh 3D từ vỏ chai rượu mất khoảng 12–15 giờ để hoàn thành, đôi khi lên đến 20 giờ nếu thời tiết ẩm. Mỗi công đoạn từ đập chai, chọn mảnh, xếp bố cục cho đến đổ keo đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại. “Khoảnh khắc đập chai là lúc mình cảm thấy đang tái sinh cho một vật thể. Cái đẹp bắt đầu từ vết nứt”, Ngọc nói.
![]() |
Mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng riêng, không 'đụng hàng' |
Công đoạn khó nhất là xếp bố cục. Đã có thời gian, Ngọc làm sai quy trình đổ keo trước rồi mới xếp mảnh khiến tranh lem nhem, không chắc. Cậu rút kinh nghiệm bằng cách làm lại từ đầu, kiên trì xếp lại từng chi tiết. “Có những bức mình phải làm lại cả chục lần chỉ vì chưa hài lòng. Nhưng mình tin: mỗi lần kiên nhẫn là một bước nâng mình lên. Và đó cũng là triết lý sống của Ngọc: “Kiên trì tới cùng.”
Sau gần hai năm, tranh của Ngọc đã có mặt ở nhiều nơi từ phòng của sinh viên, quán cà phê, homestay đến các studio thiết kế. Dù chưa có cửa hàng chính thức, sản phẩm của cậu vẫn được đón nhận nhờ sự độc đáo, gần gũi và tinh thần sáng tạo.
“Khách hàng của mình đa dạng lắm. Các bạn sinh viên thường muốn giữ lại vỏ chai rượu làm kỷ niệm. Các chủ quán thì muốn trang trí quán bằng sản phẩm phá cách, có hồn. Mình nghĩ chính câu chuyện tái chế là thứ chạm được vào cảm xúc của họ”.
Vận hành một mình từng khiến Ngọc kiệt sức. Nhưng Ngọc luôn cho rằng mình may mắn khi có một người bạn học kinh doanh hỗ trợ quản lý tài chính và vận hành: “Không có bạn ấy, mình không thể duy trì được. Sáng tạo thôi chưa đủ, còn cần biết tính toán, biết đặt niềm tin thậm chí rất nhiều niềm tin”.
Với Ngọc, tranh không chỉ là sản phẩm mà còn là hành trình cảm xúc. Cậu từng nhận đơn hàng từ một bạn nhỏ sinh năm 2011, muốn làm tranh tặng người bạn thân đang điều trị ung thư. “Từ khi bắt đầu làm tranh này, mình đã luôn nghĩ rằng đây không chỉ là sự sáng tạo mà là hành trình tái sinh. Tái sinh cho những chiếc chai, cho những ký ức đẹp, cho một tình bạn không bao giờ mất đi”.
![]() |
Workshop làm tranh từ vỏ chai do Ngọc tổ chức |
Ngoài ra Ngọc còn tổ chức các buổi workshop, nơi người tham gia có thể tự tay làm tranh từ những vỏ chai tưởng như bỏ đi. Ở đó, chàng trai trẻ chứng kiến sự thay đổi từ ánh mắt hoài nghi sang sự trân trọng. “Ban đầu họ nghĩ đó là rác. Nhưng khi tự tay sắp xếp từng mảnh vỡ, đổ keo, nhìn bức tranh hiện lên, họ bắt đầu gọi đó là chất liệu. Là nghệ thuật. Là cơ hội. Họ trân trọng từng mảnh vỡ hơn”.
Sau tất cả, điều lớn nhất Ngọc học được là sự kiên nhẫn và khả năng nhìn sâu vào giá trị của mọi thứ kể cả những thứ tưởng như bỏ đi. “Không có gì là rác nếu ta nhìn nó đủ lâu. Những mảnh thủy tinh vỡ, cũng như những khoảnh khắc gãy đổ trong đời đôi khi chính là nguyên liệu để tái tạo một phiên bản đẹp hơn của chính mình”.
Nếu chỉ được nói một điều với những người trẻ đang hoang mang giữa muôn vàn lựa chọn khởi nghiệp, Ngọc nhẹ nhàng chia sẻ: “Đừng bao giờ xem nhẹ điều bạn đang tin tưởng. Có thể cả thế giới chưa thấy giá trị trong thứ bạn theo đuổi nhưng bạn thấy là đủ. Làm bằng tình yêu và sự tử tế, vì cái đẹp thật sự luôn bắt đầu từ những điều nhỏ bé mà người khác bỏ quên”.