Sắt là khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo máu, vận chuyển oxy, phát triển não bộ và tăng cường hệ miễn dịch. Từ lâu, thịt bò được xem là nguồn cung cấp sắt dồi dào trong thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), rau chân vịt lại sở hữu hàm lượng sắt cao hơn hẳn.
Cụ thể, trong 100 gram rau chân vịt có chứa khoảng 2,7–3,57 mg sắt, trong khi 100 gram thịt bò chỉ cung cấp khoảng 2,6 mg. Điều này khiến loại rau lá xanh này trở thành “ứng cử viên” lý tưởng cho những ai cần bổ sung sắt, đặc biệt là người ăn chay, phụ nữ mang thai hoặc người có nguy cơ thiếu máu.
Không dừng lại ở đó, rau chân vịt còn là nguồn cung cấp dồi dào vitamin và khoáng chất. Trong 100 gram rau đã nấu chín có chứa hơn 2,9 gram protein, gần 2,4 gram chất xơ, và các vi chất như canxi, kali, magie, phốt pho, kẽm, mangan, selen. Rau này cũng chứa nhiều loại vitamin như A, C, K, E và các vitamin nhóm B.
![]() |
Những nghiên c ứu khoa học đã chỉ ra hàng loạt lợi ích sức khỏe của rau chân vịt. Ảnh minh họa |
Chuyên gia dinh dưỡng Kayla Kopp từ Cleveland Clinic (Mỹ) nhận định: “Rau chân vịt là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất mà bạn nên tiêu thụ. Chúng linh hoạt trong chế biến và phù hợp với nhiều khẩu vị”. Rau có thể được ăn sống như salad, xay sinh tố, xào, luộc, nấu canh hay dùng trong món pasta.
Không phải ngẫu nhiên mà rau chân vịt được xếp vào nhóm “siêu thực phẩm”. Những nghiên cứu khoa học uy tín đã chỉ ra loạt lợi ích sức khỏe mà loại rau này mang lại:
Phòng ngừa ung thư: Nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, rau chân vịt giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của gốc tự do – nguyên nhân chính gây ung thư. Một số nghiên cứu còn ghi nhận khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú ở người thường xuyên ăn loại rau này.
Hạ huyết áp: Hàm lượng kali và magie cao trong rau giúp giãn mạch máu, hỗ trợ điều hòa huyết áp. Một nghiên cứu còn cho thấy việc uống nước ép rau chân vịt giúp giảm huyết áp trong vòng 5 giờ sau khi uống.
Bảo vệ não bộ: Các chất chống oxy hóa và folate trong rau chân vịt hỗ trợ hoạt động não, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ do tuổi tác. Vitamin K trong rau còn giúp ngăn chặn sự tích tụ mảng bám amyloid – yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer.
![]() |
Rau chân vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon. Ảnh minh họa |
Tốt cho tiêu hóa: Rau chân vịt giàu chất xơ không hòa tan, thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Hỗ trợ tạo máu: Với hàm lượng sắt cao, cải bó xôi là lựa chọn tự nhiên giúp phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt – tình trạng phổ biến ở phụ nữ và người cao tuổi.
Bảo vệ thị lực: Lutein và zeaxanthin trong rau chân vịt còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng xanh, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Dù có nguồn gốc từ vùng khí hậu lạnh, rau chân vịt hiện được trồng khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là tại Đà Lạt và các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh. Thời vụ trồng rau kéo dài từ cuối thu đến hết mùa xuân, khi nhiệt độ dao động từ 18–20 độ C.
Hiện nay, rau chân vịt được bày bán rộng rãi tại các siêu thị và chợ truyền thống dưới dạng tươi hoặc đông lạnh. Giá cả dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/kg tùy mùa vụ. Nhờ độ phổ biến và giá cả hợp lý, người tiêu dùng Việt có thể dễ dàng đưa loại rau này vào thực đơn hằng ngày.