Miễn thuế 5 năm, giảm thuế thêm 5 năm
Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nêu quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh: Đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là phải đầu tư rất lớn trong giai đoạn đầu để phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao và xây dựng nền tảng công nghệ. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận "đốt tiền" trong nhiều năm mà chưa tạo ra lợi nhuận.
“Có những startup phải chịu lỗ liên tục trong 5–7 năm đầu tiên. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, như trong dự thảo nghị quyết, là chưa đủ để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất,” bà Vân nhận định.
Một ví dụ điển hình là MoMo – ví điện tử phổ biến tại Việt Nam. Thành lập từ năm 2007, nhưng mãi đến năm 2021, tức sau 14 năm hoạt động, MoMo mới bắt đầu ghi nhận dấu hiệu hòa vốn và lãi nhẹ. Trong hơn một thập kỷ trước đó, công ty này chủ yếu vận hành trong trạng thái “đốt tiền để nuôi hệ sinh thái người dùng và dịch vụ”, phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư mạo hiểm.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngay tại thung lũng Silicon (Mỹ), Uber, Airbnb hay Twitter đều từng báo lỗ hàng tỷ USD trong 5–10 năm đầu hoạt động…
![]() |
Bà Vân cho rằng, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, như trong dự thảo nghị quyết, là chưa đủ để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất định. |
Bà Vân cho hay, tại Thái Lan đang miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược. Nếu Việt Nam không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong tương lai.
Từ thực tiễn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo.
So với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai hay đào tạo nhân lực – vốn mất thời gian và quy trình phức tạp, thì miễn, giảm thuế có hiệu ứng tức thì, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để xoay vòng sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, dòng vốn đầu tư mạo hiểm suy giảm mạnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam buộc phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa. Do đó, chính sách thuế nếu không có lực sẽ khó giúp giữ chân lớp doanh nhân trẻ, những người đang tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Bà Vân nhấn mạnh: Chính sách này, sẽ không chỉ tạo dư địa tài chính quan trọng để doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, mà còn thể hiện rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp.
“Đây là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, công nghệ cao, là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nếu không có một chính sách thuế đủ mạnh và đủ dài hơi, rất khó để doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu,” đại biểu cho hay.
![]() |
Nếu không được bảo hộ kịp thời, sản phẩm cốt lõi của startup dễ bị sao chép, mất thị trường, thậm chí không thể gọi vốn. |
Đăng ký sở hữu trí tuệ là điều kiện bắt buộc để gọi vốn
Không dừng lại ở chính sách thuế, bà Vân còn cảnh báo về lỗ hổng pháp lý trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn là “trụ cột” trong mô hình kinh tế tri thức.
“Sản phẩm cốt lõi của startup không phải là máy móc, nhà xưởng, mà là công nghệ, thuật toán, mô hình độc quyền. Nếu không được bảo hộ kịp thời, họ dễ bị sao chép, mất thị trường, thậm chí không thể gọi vốn,” bà Vân dẫn chứng.
Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), đến năm 2024 chỉ khoảng 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu do thiếu kiến thức pháp lý và chi phí thủ tục quá cao.
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất 2 điều chỉnh mang tính chiến lược trong dự thảo nghị quyết:
Thứ nhất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm kể từ thời điểm phát sinh lợi nhuận, thay vì từ ngày cấp phép kinh doanh. Điều này giúp chính sách đi đúng “điểm rơi” phát triển, tạo đòn bẩy tài chính thực chất cho doanh nghiệp
Thứ hai, bổ sung quy định hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong Chương 5 của dự thảo nghị quyết, nhất là với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bà Vân cho hay, tại các quốc gia có hệ sinh thái startup phát triển như Israel, Hàn Quốc hay Singapore, đăng ký sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ từ nhà nước.
Điển hình, ở Singapore, Cơ quan Phát triển doanh nghiệp tài trợ tới 90% chi phí tư vấn pháp lý, định giá sở hữu trí tuệ và đăng ký nhãn hiệu cho startup có tiềm năng đổi mới...
“Miễn thuế đúng thời điểm, bảo hộ tài sản trí tuệ kịp thời là hai chìa khóa để tạo nền tảng cho thế hệ doanh nghiệp tiên phong trong nền kinh tế tri thức của Việt Nam”, bà Vân nhận định.