Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công một chuyên án đặc biệt nghiêm trọng, bóc gỡ đường dây sản xuất và phân phối hơn 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả do Phạm Ngọc Tiến cùng vợ là Đoàn Thị Nguyệt tổ chức điều hành. Đây được xem là một trong những vụ án có quy mô lớn nhất cả nước liên quan đến hành vi làm giả sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Quá trình điều tra kéo dài gần một năm, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP Hà Nội đã phát hiện và theo dõi ổ nhóm tội phạm hoạt động tinh vi do vợ chồng Tiến - Nguyệt cầm đầu. Tận dụng chuyên môn trong lĩnh vực dược, Tiến đã chủ động nghiên cứu công thức, tự bào chế các sản phẩm giả từ nguyên liệu trong nước, sau đó chỉ đạo nhân viên không có chuyên môn thực hiện phối trộn, đóng gói thành phẩm dưới dạng viên nang và gắn nhãn mác nước ngoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Các sản phẩm này bao gồm thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, được in bao bì hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài với xuất xứ ghi là từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha.

Công an phá chuyên án làm giả sản phẩm chăm sóc sức khỏe quy mô lớn nhất cả nước: Hơn 100 tấn hàng do dược sĩ Tiến tự điều chế, gắn mác Mỹ, Pháp, Tây
Đây được xem là một trong những vụ án có quy mô lớn nhất cả nước liên quan đến hành vi làm giả sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: CA

Để hợp thức hóa việc kinh doanh và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Tiến đã chỉ đạo kế toán Lương Thị Yến thành lập 17 công ty “bình phong”, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu và 11 công ty chuyên phân phối sản phẩm trong nước. Trong giai đoạn đầu, các đối tượng nhập khẩu thực phẩm chức năng thật để phân phối nhằm xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, khi nhận thấy nhu cầu lớn từ thị trường, Tiến quyết định chuyển hướng sang tự sản xuất hàng giả trong nước và sử dụng các sản phẩm thật làm vỏ bọc để qua mặt cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Hoạt động sản xuất chủ yếu được tổ chức tại một xưởng ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), cùng với Công ty in Âu Việt tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) – nơi chuyên in màng nhôm ép vỉ cho sản phẩm. Trong khi đó, Đoàn Thị Nguyệt chịu trách nhiệm khâu bao bì, đặt mua vỏ lọ thủy tinh qua mạng, gửi bản thiết kế bao bì cho các cơ sở in tại Hà Nội, sau đó thuê nhân viên dán tem nhãn tại các kho hàng ở khu đô thị Xa La (Hà Đông). Để tránh bị phát hiện, vợ chồng Tiến đã tẩu tán hàng về nhiều địa điểm, trong đó có nhà mẹ đẻ của Nguyệt tại Vĩnh Phúc, nhà mẹ đẻ của Yến và nhà một người giúp việc tại Bắc Giang.

Ngày 7/5/2025, lực lượng PC03 phối hợp với các đơn vị liên quan đã đồng loạt khám xét gần 20 điểm tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước là nơi sản xuất, gia công, cất giấu và tiêu thụ hàng giả.

Công an phá chuyên án làm giả sản phẩm chăm sóc sức khỏe quy mô lớn nhất cả nước: Hơn 100 tấn hàng do dược sĩ Tiến tự điều chế, gắn mác Mỹ, Pháp, Tây
Lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét các địa điểm. Ảnh: CA

Quá trình khám xét, công an thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả gồm thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, với khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau. Tang vật bao gồm hơn 28.000 hộp, 34.000 lọ, gần 39.000 vỉ thực phẩm chức năng cùng hàng nghìn thùng chứa vỏ hộp, tem nhãn và các loại máy móc, thiết bị dùng trong sản xuất.

Các đối tượng khai nhận đã thực hiện hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả từ năm 2020, phân phối cho hàng trăm nhà thuốc, cơ sở kinh doanh và thậm chí là bệnh viện trên toàn quốc. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm đều được in nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhằm đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước. Ngoài hàng hóa, lực lượng công an còn thu giữ nhiều điện thoại, máy tính, thiết bị lưu trữ và tài liệu liên quan phục vụ quá trình điều tra mở rộng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự 7 đối tượng, bao gồm Phạm Ngọc Tiến, Đoàn Thị Nguyệt, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, hai người cùng tên Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1978 và 2000), và Nguyễn Hữu Tuấn.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng để làm rõ vai trò của các tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như tiến hành truy thu các sản phẩm giả đã phát tán ra thị trường.