Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 974 bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương (đợt 3).
Theo đó, tổng kinh phí được bổ sung là 14.940 tỷ đồng, nhằm giải quyết chính sách cho 13.168 người theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP. Các nghị định này quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất, lên tới hơn 10.400 người, với tổng kinh phí hơn 11.400 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng kinh phí hỗ trợ.
Ngay sau khi Quyết định được ban hành, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các đơn vị dự toán trực thuộc khẩn trương phân bổ kinh phí, thực hiện chi trả đúng đối tượng, bảo đảm chính sách và chế độ theo quy định.
Việc hỗ trợ nghỉ hưu sớm diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức theo phương án của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và tiếp nhận một số chức năng từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Cơ quan hợp nhất vẫn giữ tên là Bộ Tài chính.
Từ 1/3, Bộ Tài chính sau hợp nhất có 35 đơn vị, trong đó có 7 đầu mối giảm từ mô hình Tổng cục xuống cấp Cục. Số đầu mối đã giảm 3.600 đầu mối cấp phòng, ban, tương đương 37,7%. Số lượng lãnh đạo cấp trưởng giảm tương đương với số lượng đầu mối giảm.
Sau khi hoàn thành việc hợp nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm nay số lượng công chức, viên chức, người lao động của ngành tài chính giảm 9.460 người, dự kiến năm 2026 tiếp tục giảm khoảng 10.000 người.
“Đây không chỉ đơn giản là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.