Bộ Tài chính Mỹ xác nhận đang tiến hành loại bỏ dần việc sản xuất đồng xu 1 cent (penny) và sẽ sớm ngừng hoàn toàn việc đưa đồng xu này vào lưu thông.
Trong thông báo mới nhất, đại diện Bộ cho biết, cơ quan này đã đặt đơn hàng phôi xu 1 cent cuối cùng trong tháng 5 và Sở Đúc tiền Mỹ sẽ chỉ sản xuất đến khi sử dụng hết lượng phôi còn tồn kho.
Người dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng penny hiện có để giao dịch, nhưng khi số lượng penny lưu hành giảm, các cửa hàng và doanh nghiệp sẽ phải làm tròn giá giao dịch tiền mặt lên hoặc xuống mốc gần nhất là 5 cent.
Quyết định này không gây bất ngờ, bởi chi phí để đúc một đồng xu 1 cent đã cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.
![]() |
Mỹ chuẩn bị ngừng sản xuất đồng xu 1 cent. Nguồn: AP |
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2 tuyên bố đã chỉ đạo Bộ Tài chính ngừng sản xuất penny, gọi đây là một khoản chi "quá lãng phí".
"Mỹ đã đúc xu 1 cent với giá hơn 2 cent suốt một thời gian dài. Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính dừng việc này. Hãy loại bỏ sự lãng phí trong ngân sách quốc gia, dù chỉ là từng đồng lẻ", ông Trump viết trên trang cá nhân.
Trên thực tế, chi phí sản xuất mỗi đồng penny hiện đã vượt mốc 3 cent – cao hơn cả mức mà Tổng thống Trump công bố. Tuy nhiên, việc loại bỏ penny lại đặt ra một bài toán khó khác: Xu 5 cent (nickel) cũng gây thua lỗ lớn hơn.
Theo Bộ Tài chính, chi phí sản xuất mỗi nickel lên tới 13,8 cent, gồm 11 cent chi phí vật liệu và sản xuất, cùng 2,8 cent chi phí quản lý và phân phối.
Để giảm thiểu lỗ, trong năm tài khóa vừa qua, Sở Đúc tiền Mỹ đã giảm mạnh sản lượng nickel xuống chỉ còn 202 triệu đồng xu, giảm 86% so với mức trung bình 1,4 tỷ đồng mỗi năm trong hai năm trước. Trong khi đó, penny vẫn được sản xuất với khối lượng lớn ở mức 3,2 tỷ đồng vào năm 2024, 4,1 tỷ vào 2023 và 5,4 tỷ vào 2022.
Dù vậy, Bộ Tài chính hiện chưa công bố kế hoạch cụ thể đối với việc sản xuất nickel.
Theo ước tính, việc dừng penny có thể giúp tiết kiệm ngay 56 triệu USD mỗi năm cho ngân sách. Nhưng nếu sản lượng nickel phải tăng trở lại để bù đắp nhu cầu, thì khoản tiết kiệm này có thể bị xóa sạch.
Không ít chuyên gia và người tiêu dùng ủng hộ việc loại bỏ penny. Hiệp hội Các cửa hàng tiện lợi Mỹ (NACS) từng đồng tình với ý tưởng này, cho rằng nó giúp rút ngắn thời gian thanh toán tiền mặt, dù chỉ vài giây mỗi giao dịch.
Mỹ cũng không phải quốc gia đầu tiên loại bỏ đồng tiền nhỏ nhất. Canada đã ngừng đúc penny từ năm 2012 và chính thức loại bỏ khỏi lưu thông vào năm 2013.
Một lý do khiến Mỹ phải đúc số lượng lớn penny mỗi năm là bởi phần lớn trong số này không quay trở lại lưu thông. Chúng bị vứt vào hộc tủ, heo đất, rơi vãi hoặc nằm trong khay “bỏ lại – lấy lại tiền thừa” tại các quầy thanh toán mà khách hàng không buồn nhặt.
“Khi một đơn vị tiền tệ bị người dân bỏ lại ở quầy tính tiền để người sau dùng tiếp, điều đó chứng tỏ nó đã trở nên quá nhỏ để có giá trị sử dụng”, giáo sư kinh tế Gregory Mankiw (Đại học Harvard), cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush nhận định.
Theo CNN