Chiều 15/7, Hà Nội trở thành "tâm điểm đen" của bản đồ ô nhiễm không khí toàn cầu. Theo dữ liệu cập nhật lúc 13 giờ từ nền tảng giám sát chất lượng không khí IQAir, thủ đô Việt Nam đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 170 đơn vị, mức được xem là "không lành mạnh cho sức khỏe".

Cùng thời điểm, các điểm đo tại trung tâm như phố Nguyễn Chế Nghĩa (P.Cửa Nam) ghi nhận chỉ số AQI 155, nằm trong ngưỡng đỏ, cảnh báo nguy cơ cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với nhóm người nhạy cảm như trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh hô hấp. Đến 14 giờ cùng ngày, chỉ số AQI tại Hà Nội tiếp tục tăng lên 174 đơn vị, chỉ nhường vị trí số một toàn cầu cho thủ đô Bagdad (Iraq), nơi ô nhiễm không khí là bài toán dai dẳng trong nhiều năm.

Cảnh quan Hà Nội hôm nay cũng phản ánh đúng chỉ số thống kê. Từ sáng đến chiều, thành phố cảng nội địa này chìm trong lớp sương bụi dày đặc, dù đang giữa mùa hè – vốn được kỳ vọng có không khí khô ráo và trong lành. Nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi, Âu Cơ, Nguyễn Khoái trở nên mờ ảo trong sương bụi, người dân phải sử dụng khẩu trang dày, thậm chí kính chắn gió để di chuyển ngoài đường.

Chiều nay, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức đáng báo động. ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Không khí ô nhiễm cao không phải là hiện tượng đột ngột, mà đã kéo dài âm ỉ suốt nhiều ngày qua. Ngày 14/7, chỉ số AQI trung bình của Hà Nội từng lên tới 162 đơn vị, với các đỉnh điểm ô nhiễm được ghi nhận vào giờ cao điểm sáng. Điều đáng lo ngại là tình trạng này không đi cùng nắng nóng hay khô hanh, vốn là điều kiện thường thấy làm gia tăng bụi mịn, mà lại xảy ra khi thành phố có mưa lớn, khiến hiệu ứng nghịch nhiệt và khí thải bị "giữ lại" sát mặt đất.

Trước diễn biến ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí tại đô thị lớn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.

Một trong những nội dung gây chú ý là lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực nội đô theo từng vành đai.

Cụ thể, đến ngày 1/7/2026, TP. Hà Nội phải hoàn tất việc chuyển đổi phương tiện để không còn xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu hoạt động trong Vành đai 1. Đến 1/1/2028, lệnh cấm sẽ mở rộng sang Vành đai 2, đồng thời hạn chế ô tô cá nhân sử dụng xăng, dầu. Đến năm 2030, phạm vi kiểm soát sẽ tiến đến Vành đai 3, đồng nghĩa với việc một phần lớn khu vực đô thị Hà Nội sẽ "nói không" với phương tiện truyền thống.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người. Theo thống kê của WHO, ô nhiễm bụi mịn có thể làm giảm tuổi thọ trung bình từ 1,5 đến 2 năm - điều này trực tiếp kéo theo chi phí y tế gia tăng và ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực.

Theo nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ô nhiễm không khí ở Việt Nam không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân mà còn gây tổn thất kinh tế lên tới hàng chục tỷ USD, tương đương khoảng 5% GDP cả nước.