Thay vì theo đuổi đại học trong khi điều kiện tài chính còn hạn chế, nhiều người chuyển hướng sang các khóa đào tạo nghề bếp với kỳ vọng về một công việc ổn định, thu nhập tốt và khả năng phát triển lâu dài.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Hiểu một cách đơn giản, nghề nấu ăn là công việc của đầu bếp – người tạo ra những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn phải đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, thẩm mỹ và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để đứng vững trong ngành, người học phải trang bị nhiều kiến thức chuyên sâu như kỹ thuật chế biến, sáng tạo công thức, trang trí món ăn và quản lý nhà bếp.
![]() |
Nấu ăn là ngành học khá hấp dẫn, cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Tổng hợp |
Ngoài tay nghề, nhiều chương trình đào tạo còn tích hợp các môn học về quản trị ẩm thực, marketing, giúp học viên có thể mở quán ăn hoặc nhà hàng riêng trong tương lai.
Học bao lâu để trở thành đầu bếp?
Các khóa học nghề nấu ăn hiện nay được tổ chức theo hệ trung cấp và cao đẳng, kéo dài từ 1,5 đến 3 năm. Ngoài ra, còn có các khóa ngắn hạn (3–6 tháng) dành cho người muốn học nhanh để đi làm.
Dù theo học hệ nào, học viên cũng cần liên tục cập nhật kỹ năng, học thêm các kỹ thuật mới nếu muốn thăng tiến lên các vị trí như bếp trưởng hoặc quản lý bếp.
Học phí không cao, thời gian học linh hoạt
Chi phí cho một khóa học nghề nấu ăn hiện khá phù hợp với thu nhập của đa số người học. Cụ thể, đối với khóa ngắn hạn hoặc căn bản: 7 – 10 triệu đồng. Khóa trung cấp: khoảng 8 – 14 triệu đồng/khóa và Hệ cao đẳng: học phí tính theo tín chỉ, theo khung quy định của nhà nước
So với nhiều ngành học khác, nghề bếp có mức đầu tư ban đầu thấp, thời gian học ngắn, tiết kiệm được chi phí ăn ở, đi lại cho người học.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể học liên thông lên các ngành như Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn,...
Không lo bị thay thế bởi AI
Giữa thời đại công nghệ 4.0, nhiều ngành nghề đang dần bị robot thay thế. Tuy nhiên, nghề bếp vẫn giữ được “chất thủ công” riêng biệt – nơi cảm xúc, sự sáng tạo và kỹ năng cá nhân đóng vai trò quyết định. Những món ăn được nấu từ bàn tay con người luôn mang lại trải nghiệm khác biệt, điều mà dây chuyền công nghiệp không thể sao chép.
Với sự phát triển của du lịch, nhà hàng – khách sạn và dịch vụ ăn uống, cơ hội việc làm cho đầu bếp ngày càng phong phú. Đặc biệt, các nhà hàng, khách sạn 4 – 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp hoặc mô hình kinh doanh ẩm thực cá nhân đều rất cần nhân lực có tay nghề.
Thị trường việc làm trong nước và quốc tế đang rộng cửa đón chờ những đầu bếp được đào tạo bài bản, có thái độ làm việc chuyên nghiệp và kỹ năng vững vàng.
Mức lương đầu bếp hiện nay
Mức thu nhập của nghề bếp khá hấp dẫn, tùy theo năng lực và nơi làm việc. Tại cơ sở vừa và nhỏ: Đầu bếp khoảng 8–10 triệu đồng/tháng; Bếp trưởng: 20–30 triệu đồng/tháng.
![]() |
Mức lương của nghề đầu bếp lên tới 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tổng hợp |
Tại nhà hàng cao cấp (4–5 sao): Đầu bếp 15–20 triệu đồng/tháng; Bếp trưởng: 30–50 triệu đồng/tháng.
Học nghề nấu ăn ở đâu?
Nếu bạn đang tìm kiếm môi trường đào tạo chất lượng, có thể tham khảo:
Tại TP.HCM, có thể theo học hệ trung cấp tại Trường Trung cấp Việt Giao, Trung cấp Khôi Việt, Trung tâm Netspace, Saigontourist, Hướng nghiệp Á Âu… Hệ cao đẳng tại các trường: Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, Cao đẳng Viễn Đông, Cao đẳng Quốc tế TP.HCM…
![]() |
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội - một trong những cơ sở đào tạo về đầu bếp uy tín của cả nước. Ảnh: Tổng hợp |
Tại Hà Nội, bạn có thể học nghề nấu ăn tại các cơ sở uy tín như Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội,... Các trường đều có chương trình đào tạo bài bản, cơ sở vật chất hiện đại và giảng viên giàu kinh nghiệm.