'Sắp tới ai đã mua NOXH sẽ được hoàn tiền'
Chiều 15/7, tại buổi họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2025 với chủ đề “Đọc vị thị trường”, ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty CP G-Home, đã có những chia sẻ sắc sảo, cụ thể về chuyển động chính sách liên quan đến nhà ở xã hội (NOXH). Theo ông, chưa khi nào quá trình phát triển phân khúc này lại được cởi trói mạnh mẽ như hiện nay.
Góp phần tạo nên bước ngoặt này là sự đồng bộ của 3 đạo luật trụ cột gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai, đồng loạt có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
“Nếu cách đây một năm, đi đến hội nghị nào cũng nghe kêu khó về NOXH, thì giờ đây tình hình đã đổi khác. Làm NOXH, bán được còn khó hơn vì rối rắm quy trình, thủ tục. Nhưng nay, cánh cửa đang mở rộng hơn bao giờ hết”, ông Nam nói.
Không dừng lại ở đó, Nghị quyết 201 của Quốc hội ban hành tháng 5/2025 và Nghị định 192 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn căn cơ, từ lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế định giá bán, cấp phép xây dựng đến quy trình phòng cháy chữa cháy.
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, Chuyên gia nhà ở xã hội. Ảnh minh hoạ. |
Tổng giám G-Home tóm lược 4 điểm tháo gỡ nổi bật nhất từ hệ thống chính sách mới:
Thứ nhất, các dự án NOXH không còn bắt buộc phải qua bước đấu thầu chọn chủ đầu tư, rút ngắn hàng loạt quy trình hành chính từng kéo dài suốt nhiều năm. “Chúng tôi có những dự án nghiên cứu từ năm 2017–2018 mà đến nay mới xong thủ tục. Điều đó đang dần trở thành quá khứ,” ông Nam nói.
Thứ hai, về định giá bán, cơ chế hậu kiểm thay thế quy trình tiền kiểm rườm rà. Chủ đầu tư được thuê đơn vị tư vấn để xác định giá, miễn sao lợi nhuận không vượt quá 10% chi phí xây lắp.
“Nếu tính sai, tính cao, sẽ bị kiểm toán và buộc hoàn trả cho dân. Nhưng nếu giá thấp, nhà đầu tư tự chịu rủi ro,” ông nhấn mạnh. Thậm chí, ông khẳng định, trong thời gian tới, sẽ có nhiều trường hợp người mua NOXH được hoàn lại tiền, do giá bị xuất toán sau kiểm toán.
Thứ ba, thủ tục tích hợp cấp phép xây dựng và thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy vào một đầu mối là Sở Xây dựng, giúp rút gọn đáng kể thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Nghị quyết 201 và Nghị định 192 cũng xử lý bài toán hành chính trong trường hợp sáp nhập tỉnh, giúp người dân không bị mất quyền mua NOXH do thay đổi địa giới.
Kiến nghị sửa đổi để không bỏ sót người nghèo 'chuyển vùng'
Chính sách mới nhưng cũng nảy sinh vướng mắc mới, ông Nam đặc biệt cảnh báo một rủi ro phát sinh từ chính việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thị trấn: Người dân đang sinh sống tại các thị trấn – vốn được xếp là khu vực đô thị, sau khi bị chuyển đổi thành xã (khu vực nông thôn) thì mất quyền được mua NOXH.
“Trước ngày 1/7, anh là người thu nhập thấp tại thị trấn huyện lị, đủ điều kiện mua NOXH. Sau 1/7, thị trấn sáp nhập thành xã, anh lập tức không còn trong diện được hỗ trợ. Một đêm thay đổi hành chính, mất luôn cơ hội an cư,” ông Nam chỉ rõ.
Theo thống kê sơ bộ từ G-Home, cả nước có 508 huyện, mỗi huyện ít nhất có một thị trấn. Như vậy, số người bị ảnh hưởng có thể lên đến hàng chục nghìn người. Trong khi đó, thủ tục xác nhận thu nhập hiện nay vẫn phải qua UBND xã, nơi “không thể biết được thu nhập thật của từng người dân”.
Từ thực tế đó, Tổng giám đốc G-Home kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm duy trì sự công bằng cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp từng sinh sống tại thị trấn.
“Không thể chỉ vì một thay đổi hành chính mà khiến người dân mất luôn quyền tiếp cận chính sách an sinh về nhà ở. Nếu không xử lý kịp thời, chúng ta sẽ tạo ra một khoảng trống xã hội rất lớn,” ông nhấn mạnh.