Những ngày đầu tháng 7, trang trại thanh long của anh Trần Quốc Thắng ở xã Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội". Với diện tích 46 ha trồng theo chuẩn GlobalGAP – tiêu chuẩn nông nghiệp tốt toàn cầu, anh Thắng từng tự tin rằng mỗi mùa vụ sẽ mang lại thu nhập ổn định nhờ xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện đảo lộn khi 50 tấn thanh long đã thu hoạch nhưng không được doanh nghiệp đến thu mua như hợp đồng.
Anh Thắng phải bảo quản tạm thời trong kho, nhưng trái thanh long chỉ có thể trữ được khoảng 15 ngày. Nếu không xuất kịp, toàn bộ sẽ hư hỏng, mất trắng. Ngoài số lượng đã thu hoạch, anh còn khoảng 30 tấn chuẩn bị cho thu hoạch tiếp, nhưng chưa tìm được đầu ra.
Không chỉ trang trại của anh Thắng, hàng loạt nông hộ khác trồng thanh long GlobalGAP ở xã Hàm Thuận Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trang trại Sơn Trà, diện tích 20 ha, đã thu hoạch 30 tấn từ đầu tháng 7 để chuẩn bị xuất khẩu nhưng đến nay vẫn “nằm chờ” trong kho vì không có chứng thư phù hợp theo yêu cầu mới từ thị trường châu Âu.
![]() |
Hàng trăm tấn thanh long đang không thể xuất đi khiến nông dân lo lắng. Ảnh minh họa |
Theo ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ là do từ ngày 1/7/2025, Liên minh châu Âu yêu cầu chứng thư xuất khẩu phải do cơ quan Nhà nước cấp, thay vì doanh nghiệp tự kiểm định hay ủy quyền cho tổ chức thứ ba như trước đây.
Việc thay đổi này xảy ra đột ngột, trong khi Việt Nam chưa có quy trình cấp chứng thư phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không thể hoàn tất thủ tục thông quan, dẫn đến việc dừng thu mua từ nông dân.
Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 26.000 ha thanh long, trong đó hơn 453 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, chủ yếu phục vụ thị trường khó tính như châu Âu. Trái thanh long GlobalGAP thường có kích thước nhỏ, phù hợp tiêu chuẩn nhập khẩu của EU, nhưng lại khó tiêu thụ tại thị trường nội địa vốn chuộng loại trái to và giá rẻ hơn. Chính vì thế, khi không thể xuất khẩu, nông dân gần như không có giải pháp thay thế.
Theo Hiệp hội, giá thanh long GlobalGAP ruột đỏ mua tại vườn dao động từ 28.000 – 30.000 đồng/kg, mức giá cao gấp đôi so với thanh long tiêu thụ nội địa. Việc không thể xuất khẩu không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà còn ảnh hưởng đến động lực duy trì sản xuất sạch của người nông dân.