Chiều 7/5, thảo luận tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là dịp để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khối Nhà nước và tư nhân.
“Nếu không làm được lần này thì có thể còn rất lâu nữa mới làm được”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Theo ông, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển giữa hai khối. Khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư ngày càng lớn khiến đội ngũ cán bộ Nhà nước thiếu hiểu biết về thực tế xã hội, các loại hình kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa. Điều này dẫn đến sự lạc hậu, cứng nhắc và thiếu khả năng quản lý, quản trị các lĩnh vực phức tạp.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh nhận định, các quy định hiện hành về tuyển dụng công chức với giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi đang tạo rào cản cho việc luân chuyển và giao lưu nhân lực giữa hai khu vực.
![]() |
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu ý kiến. Ảnh: PT/Báo Tiền Phong |
Cụ thể, Chủ tịch Hà Nội cho biết, quy định hiện hành không cho phép người từ 45 tuổi trở lên được vào công chức. “Chúng ta muốn mời một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc một nhà khoa học ở viện nghiên cứu tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương nhưng không thể thực hiện được, vì các quy định hiện hành không cho phép”, đại biểu nêu ví dụ.
Ngược lại, nhiều cán bộ Nhà nước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp tư nhân lại phát huy rất tốt vì những người này đã hiểu cơ quan Nhà nước nên tư vấn, tham mưu, giúp việc rất hiệu quả.
“Tại sao chúng ta không lấy được người ở khối tư nhân vào nhà nước?”, ông Thanh đặt vấn đề.
Chủ tịch Hà Nội chia sẻ, Bộ Chính trị và Trung ương đã đề cập nội dung này, yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy định để tạo điều kiện tăng trưởng, nâng cao nền quản trị quốc gia.
Ông cho rằng, nếu không có sự giao lưu, giao thoa giữa cán bộ khối Nhà nước và tư nhân và nếu công chức chỉ loay hoay ở khu vực công thì không thể hiểu hết được những vấn đề như các loại hình kinh doanh, vận hành xã hội, kinh tế, văn hoá…
Ngoài ra, ông Thanh cũng thông tin thêm, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và thống nhất quan điểm phải đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, ít nhất là với các dịch vụ công thiết yếu cho người dân.
Do đó, ông đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ vấn đề này để các địa phương thực hiện thuận lợi khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7.