Theo Công an TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi khi lợi dụng sự phát triển của công nghệ và mức độ phổ biến của các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp.

Theo đó, các đối tượng thường giả danh cơ quan chức năng, gọi điện hướng dẫn người dùng truy cập vào các website và cài đặt ứng dụng giả mạo dịch vụ công của Chính phủ (Bộ Công an, VNeID, Tổng cục Thuế…).

Sau khi người dùng cài đặt, các ứng dụng này sẽ kết nối đến máy chủ của nhóm lừa đảo, cho phép chúng chiếm quyền điều khiển thiết bị, theo dõi hoạt động và đánh cắp thông tin từ xa.

Bằng cách này, kẻ gian dễ dàng truy cập vào các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên thiết bị để thực hiện các giao dịch chuyển tiền trái phép. Trong nhiều trường hợp, điện thoại của nạn nhân bị khóa hoặc màn hình bị làm tối hoàn toàn, khiến họ không thể thao tác hay tắt nguồn.

Điển hình, ngày 4/5/2025, Công an phường An Khê (TP. Đà Nẵng) đã tiếp nhận trình báo của chị Trần Thị Thúy (SN 1992) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng. Kẻ gian đã giả danh cán bộ Nhà nước, yêu cầu chị Thúy cài đặt một ứng dụng có tên “Cổng dịch vụ công quốc gia” để xác thực thông tin.

Ngay sau khi cài đặt, ứng dụng chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển tiền trái phép ra khỏi tài khoản của chị Thúy.

Trước tình trạng trên, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt phần mềm từ các đường link lạ gửi qua điện thoại, không cung cấp mã OTP, mật khẩu hoặc thông tin cá nhân cho bất kỳ ai tự xưng là công an, tòa án hay ngân hàng.

Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu xác minh tài khoản, phong tỏa tiền hoặc điều tra rửa tiền. Khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật.