Sáng 9/7, tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 với chủ đề “Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị”, ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã phác hoạ một bức tranh vừa sôi động, vừa thách thức về kinh tế số và blockchain tại Việt Nam.
Ông cho hay, ngay cả ở thời điểm thị trường giảm sâu, Việt Nam vẫn có tới 17 triệu người sở hữu tài sản số, chiếm khoảng 17–20% dân số, cao gấp 3–4 lần mức trung bình toàn cầu (khoảng 5–6,5%).
Theo ông, dòng vốn từ Việt Nam tham gia thị trường crypto hiện đã xấp xỉ 100 tỷ USD mỗi năm – một con số gây bất ngờ với nhiều nhà quan sát quốc tế. Điều này cũng đặt Việt Nam vào vị trí dẫn đầu trong các quốc gia có nền kinh tế số hoạt động mạnh mẽ, nhưng lại nằm ở “vùng xám”, tức là chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát và phát triển.
![]() |
Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. (Nguồn: VBA) |
Trong nhiều năm, cụm từ "tiền ảo", "tài sản ảo" từng được sử dụng phổ biến, phản ánh thái độ dè dặt, thậm chí là lo ngại đối với crypto và blockchain. Tuy nhiên, theo ông Trung, các quốc gia như Trung Quốc đã sớm có chiến lược bài bản, tuy cấm giao dịch crypto nhưng lại đầu tư rất mạnh cho blockchain như một hạ tầng đổi mới sáng tạo.
“Ngay cả Ủy ban Chứng khoán hay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nói đến các khái niệm mới như stablecoin từ rất sớm”, ông nói.
Ngược lại, nước Mỹ dù là cái nôi của công nghệ, cũng mới chỉ ban hành luật về stablecoin gần đây. Và tại Việt Nam, bước ngoặt chính sách đã đến khi Chính phủ lần đầu tiên đã có chỉ đạo trong đó blockchain được định nghĩa là công nghệ trọng điểm thứ 3, bên cạnh AI và dữ liệu lớn, để đưa quốc gia tăng trưởng. Đây được xem là bước tiến quan trọng về mặt tư duy chính sách.
Theo ông Trung, Techcom Securities (TCBS) và ngân hàng mẹ Techcombank (TCB) là những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam chủ động nghiên cứu và ứng dụng blockchain.
“Tôi còn nhớ khi gặp anh Minh – CEO TCBS, chúng tôi đã trao đổi về việc xây dựng blockchain riêng để token hóa trái phiếu. Đây là hướng đi tiên phong, bởi lúc đó TCBS đã có định hướng fintech rất rõ ràng”, ông kể.
Đến nay, TCBS đã khẳng định vị thế là công ty chứng khoán có thị phần sản phẩm số hàng đầu, đặc biệt phù hợp với cơ cấu thị trường Việt Nam, nơi mà 95% tài khoản giao dịch chứng khoán thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Việc ứng dụng blockchain giúp đơn giản hóa quy trình, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trong tiếp cận thông tin tài chính.
Một điểm đáng chú ý khác, theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain, là việc thị trường tài sản số tại Việt Nam từng phát triển theo mô hình đội nhóm kín. Sự nhỏ lẻ, thiếu minh bạch, thiếu giám sát đã khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro. Nhưng sắp tới, ông cho biết, Việt Nam đang xúc tiến thiết lập sàn giao dịch tài sản số thí điểm, không chỉ đơn thuần là mô hình thử nghiệm mà sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho nền kinh tế.
“Khi có luật Dân sự, luật Hình sự và các khung khổ pháp lý khác cùng bảo vệ, thị trường tài sản số sẽ thoát khỏi vùng xám. Chúng ta không khuyến khích những cái không kiểm soát, mà cần quản lý, tổ chức lại để đi vào khuôn khổ, bền vững”, ông nhấn mạnh.
Ông Trung cũng chỉ ra một yếu tố địa chính trị quan trọng: Nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của crypto, với mục tiêu biến nước này thành trung tâm toàn cầu về blockchain và tài sản số.
“Hiện nay, Luật công nghiệp công nghệ số của Mỹ đang được soạn thảo và có thể áp dụng từ 1/1/2026. Đây là dấu hiệu quan trọng để Việt Nam xem xét chiến lược đối ứng”, ông nói.
Điều này càng làm nổi bật tính cấp thiết của việc Việt Nam cần đi nhanh trong xây dựng thể chế thử nghiệm như sandbox pháp lý, để không bỏ lỡ làn sóng tài sản số toàn cầu lần thứ hai.
Đáng chú ý, theo ông Phan Đức Trung, blockchain không chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và startup. “Đây là giai đoạn đổi mới sáng tạo toàn diện. Khi các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu thử nghiệm và ứng dụng công nghệ blockchain, thì quy mô tác động đến nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều”.
Hiện nay, nhiều hạ tầng công nghệ như cơ sở dữ liệu phân tán, smart contract, token hóa tài sản đã sẵn sàng. Các doanh nghiệp lớn vốn có lượng khách hàng khổng lồ, hệ sinh thái dày đặc chính là mắt xích quan trọng trong việc đưa công nghệ này phổ cập đến người dân.
"Trong giai đoạn 2025–2026, khi các nền kinh tế lớn chuyển sang giai đoạn thử nghiệm và luật hóa tài sản số, Việt Nam cần hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, để biến blockchain từ vùng xám trở thành động lực tăng trưởng hợp pháp, an toàn và bền vững", ông nhấn mạnh.