Ngay từ tháng 1/2025, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tái nhiệm, chính quyền Mỹ đã tung ra một loạt chính sách thương mại mang tính “tái thiết trật tự toàn cầu”. Cao trào là gói thuế quan mang tên “Liberation Day” ngày 2/4/2025, tạo nên cú sốc thuế quan dữ dội nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930. Kết quả là mức thuế trung bình của Mỹ đã tăng từ 2,5% (năm 2024) lên 18,8% và có thể đạt đỉnh 22%, gây ra những biến động dữ dội trên cả thị trường tài chính truyền thống lẫn thị trường tiền mã hóa.

Vai trò trú ẩn lung lay: Khi Bitcoin bị đẩy vào nhóm rủi ro

Cú sốc thuế quan đã kích hoạt làn sóng bán tháo diện rộng, khiến tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu bốc hơi khoảng 1.000 tỷ USD, tương ứng mức giảm 25,9% so với đỉnh đầu tháng 1/2025. Bitcoin giảm 19,1%, Ethereum lao dốc hơn 40%, trong khi nhóm token đầu cơ cao như Memecoin và AI token sụt trên 50%. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 cũng giảm mạnh 17,1%, cho thấy tâm lý “risk-off” lan rộng khắp các thị trường tài sản rủi ro.

Bitcoin mất vị thế 'vàng kỹ thuật số': Bão thuế quan đang ép đồng tiền số này lột xác?
Hiệu suất thị trường của Crypto, vàng và S&P 500 từ tháng 2 đến tháng 4/2025. Nguồn: Binance Research.

Trái lại, vàng tăng mạnh 10,3% và lập đỉnh lịch sử mới. Kết quả khảo sát nhà quản lý quỹ toàn cầu của Bank of America tháng 2/2025 cho thấy chỉ 3% chọn Bitcoin là tài sản trú ẩn trong bối cảnh chiến tranh thương mại, trong khi 58% chọn vàng, 15% chọn USD và 9% chọn trái phiếu dài hạn Mỹ. Điều này phản ánh rõ sự sụt giảm niềm tin ngắn hạn vào Bitcoin như một kênh bảo toàn giá trị trước biến động chính sách.

Thêm vào đó, mức độ biến động thực tế trong 1 tháng của Bitcoin đã vượt 70%, còn Ethereum lên hơn 100% – theo số liệu từ Glassnode tính đến ngày 4/4/2025. Cứ mỗi tuyên bố thuế quan mới, từ đòn áp thuế Canada – EU cuối tháng 2 đến gói “Liberation Day” đầu tháng 4, đều khiến giá Bitcoin giảm từ 10–15% trong vài ngày. Thị trường crypto trở nên mong manh, mô hình định giá bị phá vỡ, tâm lý phòng thủ chiếm ưu thế, và dòng tiền chuyển hướng khỏi các tài sản phi truyền thống.

Stagflation manh nha: Bitcoin thành 'tiền cứng' thay vàng?

Các biện pháp thuế quan mới được ví như một “thuế lạm phát” gián tiếp, khiến nỗ lực kiểm soát giá cả của Fed trở nên mong manh. Kỳ vọng lạm phát 1 năm do Đại học Michigan khảo sát đã tăng lên mức 5%, trong khi kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng tụt xuống dưới 55 điểm – cùng lúc gia tăng nguy cơ stagflation: vừa lạm phát cao, vừa tăng trưởng trì trệ.

Bitcoin mất vị thế 'vàng kỹ thuật số': Bão thuế quan đang ép đồng tiền số này lột xác?
Kỳ vọng lạm phát và tiêu dùng tại Mỹ đảo chiều mạnh từ đầu năm 2025. Nguồn: Binance Research.

Trước viễn cảnh đó, thị trường đã định giá xác suất Fed cắt giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm 2025 lên tới 36,5%, tương đương 4 lần giảm 25 điểm, theo CME Group. Khả năng Fed chỉ giảm một lần gần như bị loại bỏ, với tỷ lệ chỉ còn 1,3%. Chủ tịch Fed Jerome Powell thẳng thắn nhận định: “Các mức thuế gần đây lớn hơn kỳ vọng, và ảnh hưởng của chúng đến tăng trưởng và lạm phát cần được theo dõi sát sao".

Bitcoin mất vị thế 'vàng kỹ thuật số': Bão thuế quan đang ép đồng tiền số này lột xác?
Xác suất cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 theo hợp đồng tương lai. Nguồn: Binance Research tổng hợp từ dữ liệu CME Group, tháng 4/2025.

Chính trong môi trường như vậy, Bitcoin có thể tái định vị như một “tiền cứng” không thể pha loãng, không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, có tính minh bạch, hữu hạn và phi chủ quyền. Theo Binance Research, lượng BTC nắm giữ bởi các ví dài hạn vẫn tiếp tục tăng ngay trong giai đoạn biến động cao đầu năm – cho thấy tâm lý tích lũy dài hạn vẫn bền vững giữa cơn bão vĩ mô.

Tái cấu trúc tương quan: Bitcoin đứng giữa ngã ba đường

Dữ liệu của Binance Research cho thấy cấu trúc tương quan ngắn hạn của Bitcoin đang thay đổi rõ rệt. Từ mức –0,32 giữa Bitcoin và S&P 500 vào ngày 20/2, hệ số tương quan đã tăng lên 0,47 vào đầu tháng 4/2025, phản ánh sự đồng pha với cổ phiếu trong các cú sốc vĩ mô. Trong khi đó, tương quan giữa Bitcoin và vàng giảm mạnh xuống –0,22, tức là hai tài sản này có xu hướng biến động ngược chiều.

Bitcoin mất vị thế 'vàng kỹ thuật số': Bão thuế quan đang ép đồng tiền số này lột xác?
.

Tuy nhiên, nhìn ở khung thời gian dài hơn, từ 2020 đến nay, Bitcoin có tương quan trung bình chỉ 0,32 với S&P 500 và 0,12 với vàng – mức khá thấp. Điều này chứng tỏ Bitcoin vẫn giữ được bản sắc độc lập so với hệ thống tài sản truyền thống và có thể hoạt động như một kênh phân tán rủi ro hiệu quả trong danh mục đầu tư toàn cầu.

Bitcoin mất vị thế 'vàng kỹ thuật số': Bão thuế quan đang ép đồng tiền số này lột xác?
Biến động tương quan dài hạn giữa Bitcoin và các tài sản truyền thống (2020–2025). Nguồn: Binance Research.

Quá khứ cho thấy sau mỗi cú sốc vĩ mô như đại dịch COVID-19 hay khủng hoảng ngân hàng năm 2023, Bitcoin đều có xu hướng phục hồi độc lập, không đi cùng nhịp với cổ phiếu hay vàng. Hiện nay, với sự xuất hiện của các ETF Bitcoin được phê duyệt, hành lang pháp lý dần hoàn thiện, và chiến lược tích lũy dài hạn từ các nhà đầu tư tổ chức, Bitcoin đang xây dựng lại nền tảng để trở lại vai trò là tài sản lưu trữ giá trị phi quốc gia trong một thế giới đang phân mảnh hậu toàn cầu hóa.