Sáng 19/7, trên trang facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI đã chia sẻ những nhận định đầy lạc quan về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông viết: “FTSE đã có ấn tượng tốt về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, họ càng tin tưởng hơn vào quyết tâm cải cách của Chính phủ. Năm 2025, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm thị trường mới nổi. Không chỉ là nâng hạng, mà là khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu".
Với vị thế là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong giới tài chính Việt Nam, nhận định này của ông Hưng phần nào khẳng định Việt Nam nhiều khả năng sẽ được nâng hạng vào tháng 9 năm nay. Điều này cũng phản ánh kỳ vọng ngày càng rõ nét từ cộng đồng đầu tư về một bước ngoặt lịch sử trên thị trường chứng khoán sau nhiều năm chờ đợi.
Việc Việt Nam trở thành thị trường mới nổi vào năm 2025 sẽ là cột mốc mang tính chiến lược, mở ra cánh cửa lớn để thu hút dòng vốn quốc tế dài hạn và nâng tầm định vị thị trường tài chính trong khu vực và thế giới.
![]() |
Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ hình ảnh trên fanpage cá nhân |
"Chúng ta bước lên tầm cao mới – bằng chính nỗ lực và khát vọng của mình. Nói chuyện khi quần đùi áo cộc, luôn cảm nhận được mọi thứ rõ ràng và chính xác nhất", Chủ tịch SSI tự hào chia sẻ.
Đi kèm bài đăng là hình ảnh ông cùng các thành viên của FTSE cùng tham gia một buổi giao lưu thể thao – thể hiện sự cởi mở, thân tình trong không khí đối thoại cởi mở giữa giới chức và tổ chức quốc tế.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước kỳ vọng sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên nhóm mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá của FTSE Russell vào tháng 9/2025.
Tại buổi làm việc với đại diện FTSE Russell ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam kiên định theo đuổi mục tiêu cải cách toàn diện thị trường vốn, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và tiến tới đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng.
Theo Bộ trưởng, một thị trường chứng khoán phát triển thực chất sẽ là nền tảng vững chắc để thu hút dòng vốn dài hạn, tạo dựng một môi trường đầu tư công bằng, minh bạch và hiệu quả. Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan đến sở hữu nước ngoài, phát hành chứng khoán, đồng thời mở rộng quy mô vốn hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết – những yếu tố then chốt để FTSE xem xét nâng hạng.
Theo dự báo từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xác suất Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025 là khá cao. Nếu điều này thành hiện thực, thị trường có thể đón dòng vốn đón đầu từ các quỹ chỉ số theo dõi FTSE Emerging Markets Index với quy mô ước tính lên tới 1 tỷ USD.
Chứng khoán Mirae Asset cũng đưa ra nhận định tương tự, cho biết vốn hóa thị trường Việt Nam tính đến ngày 11/7/2025 đã đạt hơn 238 tỷ USD – tương đương với một số quốc gia đang nằm trong danh mục của FTSE với tỷ trọng thấp. Dựa trên phân tích này, Mirae Asset ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE Emerging Markets có thể đạt khoảng 0,7%, tương ứng với dòng tiền giải ngân vào khoảng 581 triệu USD.
Đáng chú ý, đây mới chỉ là phần vốn từ các quỹ sử dụng FTSE làm chỉ số tham chiếu. Khi thị trường chính thức được nâng hạng, Việt Nam còn có thể thu hút thêm nhiều dòng vốn gián tiếp từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế khác – vốn luôn tìm kiếm những thị trường tiềm năng, tăng trưởng nhanh và ổn định về chính sách.
Kể từ khi được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng vào tháng 9/2018, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế và tăng cường minh bạch. Đến nay, thời điểm “gặt hái quả ngọt” đang đến gần hơn bao giờ hết.
Nếu được FTSE Russell chính thức nâng hạng, Việt Nam sẽ có bước tiến lớn trên bản đồ tài chính toàn cầu – không chỉ là về dòng vốn mà còn là uy tín và năng lực vận hành thị trường.