Chia sẻ tại tọa đàm “Khởi nghiệp trong bối cảnh AI phát triển” ngày 22/7, ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT VNG, đã thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm đắt giá về hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo ông Minh, một sai lầm phổ biến mà nhiều startup AI hiện nay đang mắc phải là phát triển sản phẩm trong "phòng kín". Họ dành hàng tháng, thậm chí cả năm trời để xây dựng một công nghệ có vẻ hiện đại, hấp dẫn. Tuy nhiên, khi sản phẩm hoàn thành và mang ra thị trường, họ mới phát hiện rằng không ai thực sự cần đến nó. Thị trường đã thay đổi, nhu cầu đã khác, và sản phẩm trở nên lỗi thời ngay từ thời điểm ra mắt.

"Nhiều bạn trẻ bắt đầu bằng một ý tưởng rất hào hứng, rồi lao vào phát triển với tâm thế làm ra thứ gì đó thật đột phá. Nhưng đến lúc cầm đi bán thì không doanh nghiệp nào mua vì nó không giải quyết được bài toán cụ thể nào. Đó là thực tế mà chính VNG từng trải qua, và rất nhiều startup khác cũng vậy", ông Minh thẳng thắn.

Chủ tịch VNG chỉ bí kíp khởi nghiệp AI thành công: Đừng đoán mò thị trường, hãy gõ cửa doanh nghiệp và hỏi thẳng họ cần gì

Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập VNG. Ảnh: Phượng Anh.

Trước thực tế đó, ông đưa ra lời khuyên, thay vì phát triển sản phẩm trước rồi đi tìm khách hàng, startup nên làm ngược lại. “Tôi khuyên thật lòng, các bạn nên bắt đầu bằng cách tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp, hỏi họ: "Hiện tại anh/chị đang gặp bài toán gì? Hãy thuê em giải quyết".

Tư duy ngược dòng này tuy nghe có vẻ "ít hào nhoáng", nhưng lại chính là con đường thực tế để startup AI sống sót và phát triển. Bởi khi bắt đầu từ nhu cầu thật, sản phẩm sinh ra sẽ có thị trường ngay lập tức. Đồng thời, startup cũng có được nguồn thu, kinh nghiệm thực chiến và thậm chí là tài sản trí tuệ.

Chủ tịch VNG khẳng định: “Doanh nghiệp rất muốn đầu tư vào AI nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Họ sẵn sàng chi tiền, miễn là có ai đó giúp họ hiểu và giải được bài toán cụ thể.”

Ông nhẩm tính riêng tại TP.HCM, có khoảng 100 doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra trung bình 5 tỷ đồng/năm cho các ứng dụng AI thiết thực. Điều này đồng nghĩa với một thị trường 500 tỷ đồng/năm đang chờ startup có năng lực khai phá.

Cơ hội rất rõ ràng, nhưng điều kiện tiên quyết là startup phải đủ năng lực – cả trong việc thuyết phục doanh nghiệp tin tưởng, lẫn triển khai dự án thành công đến cùng. "Mấu chốt là bạn có đủ giỏi để họ tin và giao bài toán cho bạn giải hay không. Nếu làm tốt, bạn vừa có tiền, vừa có nền móng để phát triển sản phẩm của riêng mình về sau".

Từ chính hành trình của VNG, ông Minh cho biết nhiều sản phẩm công nghệ hiệu quả mà công ty xây dựng được đều bắt nguồn từ các bài toán thực tế trong vận hành hoặc từ nhu cầu của đối tác. "Sản phẩm sinh ra từ nhu cầu thật sẽ tránh được việc phải đi năn nỉ thị trường mua hàng".

Với ông, khởi nghiệp AI không phải là câu chuyện của đam mê công nghệ thuần túy. Đó là hành trình học cách lắng nghe thị trường, tìm đúng “điểm đau” của doanh nghiệp, rồi từng bước chứng minh năng lực giải quyết.

“Đừng mang giấc mơ AI đi bán. Hãy để doanh nghiệp thuê bạn giải bài toán của họ. Làm được điều đó, bạn vừa có tiền, vừa có nền tảng để phát triển sản phẩm của riêng mình.”