VN-Index trở lại vùng đáy 2 năm

Tiếp tục áp lực bán tháo ở phiên cuối tuần trước, lệnh bán giá sàn liên tục đổ vào thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu tuần, nhấn chìm hàng loạt cổ phiếu ở cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCOM rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Trong phiên chiều 24/10, có lúc VN-Index và VN30 giảm mạnh hơn 40-50 điểm nhưng lực cầu bắt đáy rất yếu khiến cổ phiếu rớt mạnh rồi giảm sàn hàng loạt…

Chốt phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 986,15 điểm, giảm tới 33,67 điểm (-3,3%) so với phiên cuối tuần trước; thanh khoản không bằng phiên cuối tuần nhưng vẫn đạt khá với hơn 12.072 điểm.

bien-dong-cua-thi-truong-ck.png
Biến động của thị trường chứng khoán trong vòng 1 năm qua. Nguồn: Tradingview.

HNX đóng cửa mất tới 5,18%, rơi về 342,21 điểm - giảm 18,71 điểm so với cuối tuần; UpCoM - giảm 2,12 điểm, về 76,45 điểm.

Với mức giảm này, chứng khoán Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong 24 giờ qua.

Hiện thị trường đã rơi về mức thấp nhất trong gần 2 năm qua và bỏ xa vùng 1.000 điểm sau khi "thủng" mốc hỗ trợ này. Nhiều cổ phiếu giảm sâu hơn cả thời điểm VN-Index xuống 650 điểm vào giữa năm 2020.

Tài sản của các tỷ phú Việt Nam biến động

Không nằm ngoài xu hướng chung trên thị trường, cổ phiếu doanh nghiệp đại diện của các tỷ phú có diễn biến giảm theo thị trường khiến quy mô tài sản giảm theo.

Ông Phạm Nhật Vượng - doanh nhân giàu nhất Việt Nam ghi nhận tài khoản giảm sâu từ đầu tháng 4 đến nay. Ông Vượng lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013 với 1,5 tỷ USD và xếp đứng thứ 974 thời điểm được vinh danh. Tháng 4 năm ngoái, tài sản của ông Vượng từng vượt 11,6 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục.

Theo Forbes, phần lớn tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đến từ số cổ phần sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Vingroup. Chính điều này đã khiến tài sản ròng của ông Vượng giảm mạnh khi giá cổ phiếu VIC đang trong xu hướng giảm liên tục. Ông Vượng đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu.

Kể từ khi đạt đỉnh hơn 128.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021, thị giá VIC đã liên tục giảm. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu này đã lao dốc một mạch từ vùng 106.000 đồng/cổ phiếu xuống mức 56.500 đồng/cổ phiếu hiện tại, tương đương giảm ròng 46,7%. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã "bốc hơi" gần 500 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng).

Trong xu hướng giảm chung trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG đã có liên tiếp 7 phiên giảm sâu khiến tài sản của ông Trần Đình Long giảm 4.700 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tuần.

ong-tran-dinh-long.png
Tài sản của "vua thép" Bùi Đình Long giảm hơn 1,7 tỷ USD.

Trong một năm qua, cổ phiếu HPG giảm khoảng 63% khiến khối tài sản của "vua thép" Trần Đình Long bốc hơi hơn 1,7 tỷ USD (gần 43.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, sau khi kết phiên 31/12/2021, cổ phiếu NVL liên tục giảm sâu 18% từ ngưỡng 91.000 đồng/cổ phiếu đã khiến tài sản của ông Bùi Thành Nhơn mất hơn 2.800 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng tháng 10/2022, ông Nhơn là đại gia bị thổi bay nhiều tiền nhất khi mất khối tài sản hơn 8.000 tỷ. Từ vùng giá 84.900 đồng/cổ phiếu ngày 30/9, mã NVL hiện chỉ còn 74.400 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, các tỷ phú USD khác của Việt Nam như: bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco),... cũng ghi nhận tài sản giảm khoảng 200 - 500 triệu USD mỗi người.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có 7 đại diện xuất hiện trong danh sách này.

Tính đến ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu), tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái của 7 tỷ phú Việt Nam vào khoảng 21,2 tỷ USD.

VN-Index xuyên thủng đáy cũ 2021, 14 mã nhóm chứng khoán giảm sàn