Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về vấn đề trần nợ cũng như rủi ro suy thoái kinh tế tại Mỹ, cùng với đó là đà phục hồi yếu ớt của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giới đầu tư và các nhà băng lớn tại phố Wall đều cho rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản đang là lựa chọn hàng đầu vào thời điểm hiện tại.

“Nhật Bản là thị trường chứng khoán yêu thích của tôi thời điểm hiện tại", Jack Ablin, giám đốc đầu tư của Cresset Capital Management, công ty tư vấn đầu tư tại Chicago hiện đang quản lý khoảng 60 tỷ USD cho biết. "Đây là thị trường đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi. Chúng tôi đang cân nhắc phân bổ khoảng 50% tỷ trọng tài sản cho cổ phiếu Nhật Bản trong lược đầu tư ở thị trường phát triển của mình”.

Chứng khoán Nhật ở mức cao nhất trong 33 năm qua, vốn hoá tăng 518 tỷ USD
Giá trị thị trường chứng khoán của Nhật Bản đang vượt xa Mỹ và Trung Quốc.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (19/5), chỉ số CSI 300 (Trung Quốc) đã giảm khoảng 3,5%, trong khi chỉ số S&P 500 (Mỹ) giảm khoảng 1%. Tuy nhiên, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Topix đóng cửa ở 2.161,69 điểm, tăng 3,8% kể từ đầu tháng 5. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 5% và kết thúc ngày 19/5 ở mức cao nhất trong gần 33 năm.

Theo Bloomberg, vốn hoá thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng khoảng 518 tỷ USD kể từ mức đáy ngày 5/1/2023.

Các quỹ đầu tư Nhật Bản đã thu hút được 800 triệu USD trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, nhiều nhất trong bảy tuần, trong khi các quỹ ở Mỹ và châu Âu chứng kiến ​​dòng tiền chảy ra ngoài, theo dữ liệu của EPFR.

Vậy nguyên nhân nào khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản trở nên nổi bật?

Cổ phiếu doanh nghiệp được định giá rẻ

Vào những năm 1990, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thậm chí được kỳ vọng sẽ soán ngôi Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chứng khoán Nhật Bản bật tăng không đến từ kỳ vọng nước này sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng 33 năm trước, mà là nhận định cho rằng cổ phiếu doanh nghiệp tại thị trường này đang được định giá rẻ.

Theo Kei Okamura, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán Nhật Bản của Neuberger Berman nhận định “Thị trường này đã bị bỏ quên từ lâu. Nó giống như một đường băng dài, khi máy bay đã chạy đủ xa thì sẽ cất cánh”.

Với nhiều nhà đầu tư, định giá cổ phiếu Nhật Bản ở mức “rẻ tới khó có thể ngó lơ”. Theo Bloomberg, đa phần các cổ phiếu thuộc TSE Prime Market Index giao dịch dưới giá trị sổ sách, so với tỷ lệ chỉ 5% của chỉ số S&P 500.

Ngay cả khi đã giữ xu hướng tăng thời gian qua, PB (price to book) của chỉ số Topix chỉ ở mức khoảng 1,3 lần, tương đương với mức trung bình 10 năm qua.

Lãi suất thấp

Trong tháng 5, các quỹ đầu tư quốc tế tiếp tục tăng vị thế mua vào, sau khi đã rót khoảng 2,2 nghìn tỷ yên (15,9 tỷ USD) vào thị trường Nhật Bản trong tháng 4/2023, mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.

Man GLG, JPMorgan Asset Management hay Morgan Stanley, … là những tên tuổi nổi bật đang “đặt cược” lớn vào đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Jeffrey Atherton, trưởng bộ phận thị trường chứng khoán Nhật Bản tại Man GLG (thuộc bộ phận đầu tư của Man Group Plc, quỹ đầu cơ tư nhân lớn nhất thế giới) đánh giá, thị trường có thể tăng thêm 10-15% nhờ định giá đang hấp dẫn, doanh nghiệp tiến hành cải tổ và kết quả kinh doanh ổn định.

“Chúng tôi đánh giá môi trường lãi suất tại Nhật Bản tiếp tục duy trì ở mức thấp so với thị trường toàn cầu và chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực với các tài sản rủi ro, không giống như nhiều khu vực khác”, Jeffrey Atherton nhận định.

Lãi suất của Nhật Bản đang ở mức thấp và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như cũng chưa có ý định tăng lãi suất sớm.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu lạm phát ổn định hơn sau nhiều thập niên giảm phát và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp.

Số liệu công bố trong tuần qua cho thấy, GDP quí 1 của Nhật Bản tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát ra suy thoái sau hai quí tăng trưởng âm liên tiếp. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản đã tăng 3,5% so với một năm trước đó.

Warren Buffett

Khi nhắc đến động lực chắp cánh cho chứng khoán Nhật Bản thời gian gần đây, không thể không kể đến nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, khi ông đã đích thân tới thăm Nhật Bản và đánh giá cao tiềm năng của thị trường này.

“Chắc chắn, yếu tố Warren Buffett đã góp phần thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản. Khi một nhà đầu tư huyền thoại quan tâm đến một quốc gia cụ thể, các nhóm nhà đầu tư khác cũng sẽ chú ý”, Homin Lee, nhà chiến lược vĩ mô cấp cao về châu Á của Lombard Odier nói.

Hiện tỉ phú này sở hữu nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật Bản hơn bất kỳ quốc gia nào khác (trừ Mỹ).

Cổ phiếu của 5 tập đoàn thương mại lớn nhất của Nhật Bản, gồm Itochu, Marubeni, Mitsui, Mitsubishi và Sumitomo Corporation đều leo dốc kể từ khi Berkshire Hathaway công bố các giao dịch đầu tiên vào năm 2020. Kể từ thời điểm đó, giá cổ phiếu của các công ty này tăng từ 64% đến 202%.

Gần đây, Berkshire đã tăng số cổ phần này lên 7,4% ở mỗi tập đoàn. Huyền thoại đầu tư cho biết, ông bị thu hút bởi thu nhập tăng trưởng ổn định và mức cổ tức cao của các tập đoàn này.

Đây là thành quả từ nỗ lực cải thiện quản trị doanh nghiệp do cựu Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng. Hoạt động tích cực của cổ đông đang tăng lên và kết quả nổi bật nhất là tăng lợi nhuận tiền mặt cho cổ đông.

Năm 2022, tổng số tiền chi trả từ các khoản mua lại và cổ tức đã tăng lên mức kỷ lục. Mùa thu nhập đang diễn ra được dự đoán sẽ mang lại một kỷ lục khác. Chẳng hạn như Mitsubishi, một trong năm công ty thương mại Nhật Bản thuộc sở hữu của Berkshire, đã công bố khoản mua lại trị giá 2,2 tỉ USD vào tuần trước.

Ngoài Berkshire Hathaway, Societe Generale SA và Pictet Wealth Management cũng nằm trong số các tổ chức khuyến nghị gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản và hạ tỷ trọng với thị trường Mỹ.