Sau khi lập đỉnh lịch sử, giá vàng đang bước vào giai đoạn biến động mạnh. Các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản chính cho giá vàng trong tháng 6 – từ ổn định, điều chỉnh đến bứt phá.

Giá vàng đã có một năm ấn tượng khi có thời điểm vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce – mức cao kỷ lục của kim loại quý này. Tuy nhiên, bước sang cuối tháng 5, giá vàng đã giảm xuống khoảng 3.200 USD/ounce do những biến động về kỳ vọng lạm phát, lợi suất trái phiếu Mỹ và nhu cầu tài sản trú ẩn.

Trong bối cảnh thị trường đầy bất định, các nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Dưới đây là ba viễn cảnh giá vàng tháng 6, theo nhận định từ các chuyên gia tài chính:

1. Giá vàng có thể đi ngang

Theo các chuyên gia, phần lớn tháng 6 có thể chứng kiến giá vàng duy trì ở vùng ổn định. Một yếu tố quan trọng là cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 17/6 – thời điểm có thể xuất hiện động thái mới về lãi suất.

“Bất kỳ thay đổi nào trong định hướng chính sách, hoặc chỉ cần một sự điều chỉnh trong ngôn ngữ liên quan đến khả năng cắt giảm lãi suất, cũng có thể tác động mạnh tới giá vàng”, ông Ben Nadelstein – Giám đốc nội dung tại Monetary Metals nhận định.

Tuy nhiên, theo công cụ FedWatch của CME Group tính đến ngày 27/5, xác suất Fed thay đổi lãi suất trong kỳ họp tới chỉ ở mức 5,6%. Điều này cho thấy giá vàng có thể vẫn ổn định trong ngắn hạn, trừ khi xuất hiện các thông tin bất ngờ từ chính sách thuế hoặc thương mại.

Chuyên gia: Đây là 'liều thuốc kích thích' có thể đẩy giá vàng lên đỉnh cao mới
Giá vàng đã có một năm ấn tượng khi có thời điểm vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce – mức cao kỷ lục của kim loại quý này.

2. Giá vàng có thể giảm

Một kịch bản khác là giá vàng điều chỉnh giảm nếu Fed bất ngờ tăng lãi suất – kịch bản ít khả thi nhưng không loại trừ.

“Việc tăng lãi suất có thể xảy ra nếu các chính sách thuế làm gia tăng áp lực lạm phát trong khi thị trường lao động vẫn vững”, ông Brett Elliott từ sàn giao dịch kim loại quý APMEX cho biết. Khi đó, dòng vốn có thể rút khỏi vàng để đổ vào trái phiếu chính phủ.

Ngoài ra, nếu căng thẳng thương mại quốc tế được giải quyết, ngân hàng trung ương các nước giảm tốc độ mua vàng, hoặc chính phủ Mỹ kiểm soát tốt ngân sách – thì giá vàng cũng có thể giảm.

Tuy nhiên, mức giảm được cho là sẽ không quá sâu. “Ngân hàng trung ương các nước vẫn đang mua vào mạnh mẽ, điều này tạo ra một mức đáy vững chắc cho giá vàng”, ông James Cordier – CEO của Alternative Options khẳng định.

3. Giá vàng có thể bứt phá

Nếu dữ liệu kinh tế công bố trong tháng 6 cho thấy dấu hiệu suy yếu, Fed có thể bị thúc ép giảm lãi suất. Đây sẽ là “liều thuốc kích thích” giúp vàng tăng giá.

“Viễn cảnh tăng trưởng yếu sẽ thúc đẩy kỳ vọng cắt giảm lãi suất, từ đó làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ nhu cầu mua vàng”, Cordier phân tích.

Thêm vào đó, bất kỳ biến cố địa chính trị nào làm tăng rủi ro toàn cầu – như đàm phán thương mại đình trệ, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh – đều có thể đẩy giá vàng lên những đỉnh cao mới.

“Nếu các rào cản thương mại gia tăng hoặc thị trường chứng khoán rung lắc khiến Fed phải xoay trục chính sách, giá vàng hoàn toàn có thể phá vỡ ngưỡng kỷ lục”, Nadelstein nhận định.

Theo CBS News