Nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam là điểm đến an toàn
Về vấn đề thu hút FDI ở thời điểm hiện tại, bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho rằng hoạt động thương mại toàn cầu đang có sự biến động chưa từng thấy kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2.
“Nhưng quý I năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có hơn 400 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước”, bà Nga nói.
![]() |
Nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam là điểm đến an toàn. |
Theo quan điểm của bà Nga, hiện nay cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng khốc liệt, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, ngay cả khi các đầu tàu kinh tế, nhất là Hoa Kỳ, không có nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, thì Việt Nam vẫn chủ động thay đổi để thu hút FDI.
Cụ thể, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư cần có quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu quy hoạch, đầu tư và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
“Nhằm ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, pháp luật về đầu tư đã chính thức thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư”, bà Nga nói.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI
Về lợi thế, bà Nga cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI đó là có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều năm; nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh; là thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân.
![]() |
Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. |
Khác với các quốc gia trong khu vực (ngoại trừ Singapore), doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn nhờ vào 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, khiến Việt Nam trở thành bến đỗ đầu tư hấp dẫn.
“Dù không tránh được ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ mậu dịch của Chính phủ Hoa Kỳ, nếu hàng hóa Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu cao hơn các nước khác, thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn này”, bà Nga khẳng định.
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng bà Nga cho biết hiện nay Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc sáp nhập, sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương; sáp nhập tỉnh thành, xã phường, bỏ quận huyện là bước đột phá chưa từng có để đẩy mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 22/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả.
Cùng với đó, vấn đề về tháp luật về đầu tư mới được sửa đổi và có hiệu lực từ đầu năm nay đã có quy định thủ tục đầu tư đặc biệt, có thể gọi là “luồng xanh”. Theo đó, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn.
“Tóm lại, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đặc biệt, “vượt rào”; sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển tối đa. Với chính sách “luồng xanh” trong đầu tư được áp dụng, Quỹ Hỗ trợ đầu tư được triển khai từ năm 2025, chắc chắn Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược khi họ chuyển cứ điểm sản xuất do bị tác động bởi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ”, bà Nga thừa nhận.