Cần tạo ra một ‘sandbox’ thể chế
Về vấn đề xây dựng trung tâm tài chính, ThS. Bùi Phú Châu, chuyên gia trong lĩnh vực luật nhận định xây dựng trung tâm tài chính không chỉ là câu chuyện hạ tầng hay thu hút ngân hàng, mà cần tạo ra một ‘sandbox’ thể chế, nơi Việt Nam có thể thử nghiệm các cơ chế mở, minh bạch, hiệu quả, để từ đó lan tỏa ra toàn nền kinh tế. TP. HCM, với lợi thế về quy mô kinh tế, dân số và khả năng đổi mới sáng tạo, hoàn toàn có tiềm năng để hiện thực hóa điều này.
![]() |
Cần tạo ra một ‘sandbox’ thể chế. |
Vị chuyên gia này đã nhắc lại cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đây không chỉ là một dấu mốc thương mại, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới về cải cách thể chế, mở cửa thị trường và tôn trọng luật chơi toàn cầu.
Việc gia nhập WTO đã buộc Việt Nam phải thay đổi cách vận hành nền kinh tế, chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, từ ưu tiên nội địa sang cạnh tranh quốc tế. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã liên tiếp ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…
Tất cả điều đó không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn yêu cầu Việt Nam buộc phải nâng cấp thể chế và luật pháp để tương thích với chuẩn mực toàn cầu.
“Do vậy, khi nói đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, tôi không coi đó là một dự án riêng lẻ. Đây là bước phát triển tiếp theo trong tiến trình hội nhập đã khởi động từ WTO, được tiếp sức bởi các FTA và giờ đây đang tiến vào giai đoạn hội nhập sâu về thể chế tài chính và dòng vốn quốc tế,” ông Châu nhận định.
Cơ chế nào bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Dù Việt Nam đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hệ thống bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư vẫn cần được củng cố để bảo đảm công bằng, minh bạch trong mọi giao dịch.
![]() |
Cơ chế nào bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. |
Theo ThS. Bùi Phú Châu, Luật Đầu tư 2020 có quy định tại Điều 5 về một trong những “Chính sách về đầu tư kinh doanh” như sau: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư”. Đây là lần duy nhất Luật này nhắc đến chữ bảo hộ nhưng nên nhớ đây mới chỉ là chính sách về đầu tư kinh doanh, tức là nếu muốn áp dụng được thì phải có quy định pháp luật cụ thể. Trong khi đó, tại Anh, quyền tư hữu, trong đó mở rộng ra là quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt đối với vốn – được coi là một trong những quyền tự nhiên, song hành cùng quyền sống và quyền tự do.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân nước ngoài gặp khó khăn khi chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam sau khi bán bất động sản. “Họ phải chứng minh thu nhập hợp pháp với ngân hàng – nhưng pháp luật lại không quy định rõ cần tài liệu gì, dẫn đến tình trạng mỗi ngân hàng đưa ra quy định riêng, buộc nhà đầu tư phải đổi ngân hàng nhiều lần mới có thể chuyển tiền ra nước ngoài,” ông Châu cho biết.
Ngoài ra, việc minh bạch trong giải quyết tranh chấp cũng là nền tảng xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Châu, hệ thống xử lý tranh chấp gồm hai giai đoạn: giải quyết (thường là trọng tài thương mại) và thi hành (theo luật Việt Nam). Việt Nam cần củng cố cả hai để nâng cao vị thế trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.
Ông nhấn mạnh vai trò của SIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore) trong việc giúp Singapore đứng vững trong các bảng xếp hạng quốc tế về giải quyết tranh chấp. Chủ tịch SIAC là Gary Born – chuyên gia hàng đầu thế giới về trọng tài thương mại, tác giả cuốn International Commercial Arbitration được ví như “kinh thánh” của ngành. Uy tín của ông đã thu hút những chuyên gia hàng đầu, trong đó có nhiều luật sư Việt Nam như Đặng Xuân Hợp, Trương Trọng Nghĩa, Lưu Tiến Dũng… tham gia làm trọng tài viên tại SIAC.
“Tại một trung tâm tài chính quốc tế, các nhân sự xuất sắc chính là yếu tố tạo nên uy tín và đẳng cấp. Muốn có một trung tâm trọng tài thực sự quốc tế, cần có bộ máy điều hành chuyên nghiệp, danh sách trọng tài viên thường trực là những chuyên gia hàng đầu thế giới,” ông Châu nhấn mạnh.
Về thi hành phán quyết trọng tài quốc tế tại Việt Nam, ông cho rằng cần rõ ràng và cởi mở hơn. “Hiện nay, pháp luật quy định rất chung chung rằng không thi hành nếu ‘trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam’, nhưng không định nghĩa rõ nguyên tắc đó là gì. Điều này khiến chúng ta như đang tự thu mình lại thay vì mở ra cánh cửa cho hội nhập thực chất,” ông Châu kết luận.