FiinRatings vừa công bố báo cáo chuyên đề: “Góc nhìn Xếp hạng Tín nhiệm: Chuyển giao bắt buộc và tác động đối với ngành ngân hàng Việt Nam”, đưa ra đánh giá sâu sắc về tác động kép – cả tích cực lẫn tiêu cực – của cơ chế chuyển giao bắt buộc trong hệ thống ngân hàng.
Cơ hội định vị lại trật tự: MB, VPB, HDB bứt phá
Theo FiinRatings, cơ chế chuyển giao bắt buộc – vốn đang được NHNN triển khai đối với một số ngân hàng yếu kém – không chỉ là biện pháp xử lý tình huống, mà còn là bước ngoặt tái cấu trúc chiến lược của toàn ngành.
Những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có nền tảng vững mạnh như MBBank và VPBank đang nổi lên là các bên nhận chuyển giao chủ lực. Đây là hai ngân hàng có năng lực vốn tốt, hiệu quả sinh lời cao và kinh nghiệm triển khai chiến lược tăng trưởng nhanh.
HDBank cũng là một trường hợp được FiinRatings đánh giá cao nhờ chiến lược bán lẻ hiệu quả, cấu trúc vốn lành mạnh và khả năng tham gia vào cuộc đua “tái định hình top ngân hàng TMCP tư nhân dẫn đầu”. Nếu duy trì được đà tăng trưởng, HDB có thể trở thành “ẩn số phá vỡ cấu trúc truyền thống” trong bảng xếp hạng ngân hàng Việt Nam.
Trong khi đó, các ngân hàng bị chuyển giao lại đối mặt với không ít thách thức. Dù được hỗ trợ từ NHNN qua các biện pháp như tái cấp vốn lãi suất 0%, hỗ trợ thanh khoản và miễn trích lập, nhưng rủi ro tín dụng vẫn tiềm ẩn rất lớn.
Cụ thể, FiinRatings cảnh báo danh mục cho vay của các ngân hàng bị chuyển giao thường tập trung ở các ngành có rủi ro cao hoặc có liên quan đến các bên của ngân hàng nhận chuyển giao. Nếu không được kiểm soát tốt, việc gia tăng dư nợ từ phía ngân hàng mạnh có thể tạo nên rủi ro lan truyền sang chính ngân hàng đó.
Đáng lưu ý, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn (bán buôn) để duy trì hoạt động cũng có thể làm suy yếu cấu trúc vốn, đặc biệt khi giám sát nội bộ chưa theo kịp tốc độ mở rộng tài sản.
![]() |
Tăng vốn – xu hướng chủ đạo 2025–2026
Một trong những xu hướng được dự báo sẽ “chi phối” ngành ngân hàng trong 2 năm tới là tăng vốn. Các ngân hàng bị chuyển giao hiện có vốn chủ sở hữu âm hoặc quá mỏng, không đủ đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn tối thiểu.
FiinRatings cho rằng việc phát hành cổ phiếu, chào bán riêng lẻ và thu hút vốn nước ngoài sẽ là chiến lược chủ lực. Mục tiêu không chỉ là “vá lỗ hổng” về vốn, mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng bền vững hậu tái cấu trúc.
Riêng với các ngân hàng nhận chuyển giao, tăng vốn còn là điều kiện cần thiết để duy trì tỷ lệ an toàn vốn, khi quy mô tài sản tăng nhanh và phải “gánh” thêm khoản phải thu lớn từ bên được chuyển giao.
FiinRatings nhận định, năm 2025 sẽ là giai đoạn then chốt trong xử lý nợ xấu toàn hệ thống. Đặc biệt, nhóm ngân hàng yếu kém sẽ cần xử lý triệt để các khoản nợ xấu tồn đọng lâu năm – nhiều trong số đó không có hoặc thiếu tài sản bảo đảm.
Trong bối cảnh đó, vai trò của VAMC được nhấn mạnh như một công cụ trung tâm. Các ngân hàng có thể đẩy mạnh bán nợ xấu sang VAMC để giảm áp lực cân đối kế toán, đồng thời tập trung nguồn lực cho hoạt động tái cấu trúc.
Một cảnh báo quan trọng khác từ FiinRatings liên quan đến áp lực thanh khoản phát sinh từ hoạt động chuyển giao. Tính đến 31/3/2025, VPBank đã chuyển 21.413 tỷ đồng dư nợ sinh lời cho GPBank; MBBank cũng chuyển 5.853 tỷ đồng cho OceanBank. Tuy nhiên, do chưa phát sinh dòng tiền thực, các khoản phải thu này làm tăng quy mô tài sản, trong khi không tạo ra dòng tiền.
Điều này khiến các ngân hàng nhận chuyển giao có thể rơi vào thế khó: vừa phải đảm bảo tỷ lệ thanh khoản theo quy định, vừa phải xoay xở nguồn tiền để cân đối các nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn. Nếu không quản lý tốt, đây có thể là “điểm nghẽn mới” trong hệ thống.