Tại The Catalyst: Tác động Nghị quyết 42 đến “sóng” ngành ngân hàng do VietnamBiz phát sóng ngày 6/7, các chuyên gia tài chính nhận định việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ là bước tiến quan trọng nhằm thiết lập khung pháp lý ổn định, tháo gỡ các điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Nghị quyết 42 chưa phát huy tối đa hiệu quả vì “vênh” luật

Ông Lê Hoài Ân, CFA – chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngành ngân hàng – cho rằng Nghị quyết 42 được ban hành năm 2017 chỉ mang tính thí điểm, chủ yếu xử lý tồn đọng nợ xấu phát sinh sau khủng hoảng 2008–2017.

Tuy nhiên, nhiều nội dung quan trọng trong nghị quyết, đặc biệt là quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, vẫn chưa được luật hóa đồng bộ với Luật Các tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự.

Một ví dụ điển hình là quyền thu giữ tài sản: theo Nghị quyết 42, ngân hàng được phép thu giữ nếu hợp đồng tín dụng có điều khoản rõ ràng, nhưng khi triển khai thực tế lại dễ bị vướng pháp lý nếu tài sản liên quan đến án hình sự hoặc chưa có cơ chế phối hợp thống nhất giữa các bên.

Khái niệm “tài sản không liên quan đến vụ án” hiện chưa được định nghĩa rõ ràng, khiến mỗi cơ quan điều tra hoặc thi hành án hiểu và xử lý khác nhau. Thực tế này khiến ngân hàng mất thời gian, thậm chí phụ thuộc vào cơ chế “xin – cho”.

Luật hóa Nghị quyết 42: Kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn xử lý nợ xấu, ngân hàng nào hưởng lợi?
Ảnh trích từ chương trình Data Talk: The Catalyst

Ông Đỗ Thanh Tùng – Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích VDSC – cho rằng luật hóa sẽ tạo ra khung pháp lý ổn định và lâu dài thay cho một văn bản thí điểm có thời hạn như NQ42.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã đưa thêm nhiều quy định mới như: thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản đang bị kê biên, hoàn trả tài sản nếu là tang vật trong vụ án hình sự. Đáng chú ý, phạm vi áp dụng không còn giới hạn với nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 như Nghị quyết 42, mà mở rộng cho tất cả khoản nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng trong thu hồi tài sản.

Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng hiệu quả thực tế còn phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành liên quan và cơ chế phối hợp hành chính, tư pháp tại địa phương.

Luật hóa Nghị quyết 42: Kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn xử lý nợ xấu, ngân hàng nào hưởng lợi?
Ảnh trích từ chương trình Data Talk: The Catalyst

Ngân hàng nào sẽ hưởng lợi nhiều hơn?

Theo ông Tùng, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong giai đoạn đầu, do tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản, dễ thu giữ và thanh khoản hơn so với tài sản doanh nghiệp như hàng tồn kho, máy móc, dự án.

Bên cạnh đó, các ngân hàng quốc doanh như BIDV, VietinBank có tỷ lệ dư nợ/thế chấp thấp, giá trị tài sản bảo đảm lớn, tập trung vào bất động sản – sẽ có lợi thế lớn khi quy trình xử lý nợ được rút ngắn. Những khoản nợ xấu đã ra ngoại bảng nhưng có khả năng thu hồi cao sẽ sớm quay lại đóng góp cho “thu nhập khác” – một chỉ số đáng theo dõi trong báo cáo tài chính nửa cuối năm 2026.

Ngược lại, các ngân hàng quy mô nhỏ như KienlongBank, ABBank, Nam A Bank… có tỷ lệ tài sản đảm bảo là động sản cao, tuy được hỗ trợ bởi luật hóa nhưng vẫn gặp thách thức trong thanh khoản tài sản và quy trình thu giữ phức tạp hơn.

Việc luật hóa Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý tài sản từ 1,5 năm còn khoảng 1 năm, giảm đáng kể chi phí nguồn lực, hỗ trợ ngân hàng tiết kiệm nhân sự và chi phí hoạt động trong xử lý nợ xấu – đặc biệt là với nhóm ngân hàng có danh mục cho vay bán lẻ rộng và phân tán.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng tác động tích cực sẽ cần thời gian, và có thể chỉ thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính từ quý II hoặc quý III năm 2026 – sau khi luật chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2025 và ngân hàng hoàn tất quy trình thu giữ, đấu giá tài sản.