Trong tuần giao dịch từ 30/6 đến 4/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng tổng cộng 9.391 tỷ đồng ra thị trường, nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống và giữ ổn định lãi suất ngắn hạn.
Cụ thể, trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá, NHNN đã giải ngân hơn 62.424 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, khối lượng đáo hạn đạt 58.133 tỷ đồng, tương đương bơm ròng 4.291 tỷ đồng trong tuần.
Trên kênh tín phiếu, NHNN phát hành tổng cộng 17.400 tỷ đồng với lãi suất duy trì ở mức 3,5%/năm. Tuy nhiên, do có tới 22.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, lượng bơm ròng qua kênh này đạt 5.100 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng tiền được bơm ròng qua cả hai kênh trong tuần vừa qua là 9.391 tỷ đồng.
Thanh khoản dồi dào cũng góp phần kéo giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm giảm mạnh từ 6,45% vào đầu tuần xuống còn 3,81% trong phiên 2/7, sau đó hồi phục nhẹ lên 3,91% vào ngày 3/7. Các kỳ hạn từ một tuần đến ba tháng dao động trong khoảng 3,82%–4,03%, tiếp tục xu hướng giảm so với đầu tuần.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố ngày 4/7 ở mức 25.116 đồng/USD, tăng 25 đồng so với phiên liền trước và tăng 774 đồng so với đầu năm. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh đồng USD đang suy yếu trên thị trường quốc tế, tác động đến xu hướng tỷ giá tại Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Fed New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm VND vào ngày 3/7 chỉ còn 0,49 điểm %, phản ánh phần nào xu hướng hội tụ lãi suất toàn cầu và áp lực giảm giá của USD.
![]() |
NHNN bơm ròng hơn 9.391 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 7, giữ lãi suất tín phiếu ổn định ở mức 3,5%, hỗ trợ thanh khoản và hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng. |
Theo báo cáo chuyên đề của Ngân hàng UOB, chỉ số DXY đã giảm 10,8% trong sáu tháng qua – từ 108,5 xuống 96,9 điểm – mức suy yếu chưa từng ghi nhận kể từ khi Mỹ áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi năm 1973. Đồng thời, chỉ số Broad Dollar Index của Fed cũng mất 6%, tiệm cận các ngưỡng thấp trong ba thập kỷ qua.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed, rủi ro địa chính trị, thâm hụt ngân sách Mỹ và xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối toàn cầu. Gói chi tiêu lớn vừa được Quốc hội Mỹ thông qua dự kiến đẩy nợ công tăng thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm, góp phần làm xấu triển vọng đồng bạc xanh.
UOB dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần vào cuối năm nay, đưa lãi suất SOFR 3 tháng về mức 3,50% vào giữa năm 2026. Điều này khiến chi phí cơ hội nắm giữ USD giảm mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các dòng vốn dịch chuyển sang tài sản định danh bằng các đồng tiền khác.
Tại Việt Nam, UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng lên 26.400 trong quý III/2025 do áp lực thương mại, trước khi giảm về 25.800 vào quý II/2026 nhờ điều hành linh hoạt của NHNN và xu hướng giảm giá USD toàn cầu.