Tại tọa đàm “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng trong thời kỳ vươn mình của dân tộc” do Hội Kỷ lục gia tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) đã có bài tham luận chia sẻ quan điểm về tiềm năng phát triển hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực xây dựng.

Theo ông Hải, ngành xây dựng Việt Nam có tiềm năng phát triển với khả năng mang về hàng trăm tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu nhờ vào lực lượng lao động dồi dào, chi phí hợp lý, năng lực thi công tích lũy qua nhiều năm và chuỗi cung ứng ngày càng hoàn thiện.

Đặc biệt, ngành xây dựng đã chuyển mình từ một ngành chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa thành một lực lượng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Hiện tại, ngành này đóng góp khoảng 8% GDP và tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động, với nhiều lĩnh vực như xi măng, gỗ, gạch ốp lát và thép đã đạt vị thế hàng đầu thế giới về xuất khẩu.

Ông Hải cho rằng Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình phát triển của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước đã hình thành được lực lượng nhà thầu quốc tế có uy tín trên toàn cầu.

Cơ hội mang về trăm tỷ USD từ xuất khẩu xây dựng: Một nhà thầu Việt tự tin thế chỗ Trung Quốc, sắp chốt hợp đồng lớn ở Mỹ
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: HBC)

Tự tin thế chỗ Trung Quốc, sắp chốt hợp đồng lớn ở Mỹ

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bắt đầu mở rộng hoạt động ra quốc tế từ nhiều năm trước. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang tập trung vào các thị trường trọng điểm gồm Mỹ, Australia, Campuchia và một số quốc gia tại Đông Phi.

Tại Mỹ, HBC đã cung cấp dịch vụ quản lý dự án và vật liệu xây dựng cho một số khách hàng, đồng thời đang trong quá trình thương thảo liên doanh với các đối tác tại bang California, kỳ vọng có thể đạt thỏa thuận vào năm 2025. Hoạt động tương tự cũng được triển khai tại Australia.

Tại Kenya, doanh nghiệp đã trúng thầu 4 dự án xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng cảnh sát, với tổng giá trị hợp đồng khoảng 70 triệu USD cho 3.500 căn. Hòa Bình hiện tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác.

Tại Campuchia, doanh nghiệp đang tiếp cận một số dự án hạ tầng dân dụng và đặt mục tiêu mở rộng sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đại diện HBC, một số dự án xây dựng ở nước ngoài hiện đang mang lại biên lợi nhuận gộp từ 20 - 30%, cao hơn đáng kể so với mức phổ biến trong nước (khoảng 5 - 10%). Việc hợp tác với nhà thầu bản địa tại các thị trường sở tại cũng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng quy mô.

“Với năng lực của HBC, chúng tôi tự tin có thể thay thế các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu… tại các quốc gia. Chẳng hạn, chi phí nhân công của nhà thầu Trung Quốc gấp 3 lần so với chi phí nhân công đội ngũ Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không thay thế được nhà thầu Trung Quốc ở các quốc gia đang thiếu nguồn cung xây dựng này?”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Một số yếu tố như chi phí nhân công cạnh tranh, dây chuyền sản xuất vật liệu hiện đại (đa phần dưới 30 năm), nguồn nguyên liệu sẵn có và khả năng xuất khẩu sản phẩm đi xa với mức giá cạnh tranh là các điểm mạnh giúp chuỗi cung ứng ngành xây dựng Việt Nam ngày càng được đánh giá cao.

Lãnh đạo Hòa Bình cho rằng, nếu có chiến lược bài bản, các doanh nghiệp xây dựng trong nước hoàn toàn có thể từng bước mở rộng ra thị trường quốc tế và từng bước đảm nhận vai trò tổng thầu tại những quốc gia đang có nhu cầu phát triển hạ tầng cao.