Chứng khoán TP. HCM (HCM): Khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 25.800 đồng/cp

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá trung lập đối với cổ phiếu HCM, dựa trên dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2025 sẽ tăng khoảng 16% nhờ hoạt động cho vay ký quỹ phục hồi. Đến năm 2026, biên lợi nhuận mảng tự doanh cũng được kỳ vọng cải thiện.

Tỷ suất sinh lời ROE sau tăng vốn đạt 10,5%, giúp HCM duy trì vị trí trong nhóm CTCK có hiệu suất tốt so với trung bình ngành. Công ty hiện dẫn đầu thị phần giao dịch ở khách hàng tổ chức, đồng thời sẽ hưởng lợi nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng.

Thông tin HFIC có kế hoạch thoái vốn tại HCM được đánh giá sẽ gỡ "nút thắt" về sở hữu Nhà nước, mở ra cơ hội tăng vốn, đầu tư công nghệ và mở rộng cạnh tranh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức: Xu hướng miễn phí giao dịch khiến cạnh tranh gia tăng, HCM chưa rõ chiến lược trung – dài hạn trong bối cảnh ngành chứng khoán đang thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, diễn biến thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ nguy cơ áp thuế mới từ phía Mỹ.

Cổ phiếu đáng chú ý 5/5: HCM, VHC, TNG
SHS dự phóng kết quả kinh doanh năm 2025 của HCM

Về định giá, SHS đặt giá mục tiêu cho HCM là 25.800 đồng/cp, cao hơn 3% so với giá đóng cửa ngày 29/4.

Vĩnh Hoàn (VHC): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 58.300 đồng/cp

Chứng khoán FPT (FTS) đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, với mức giá mục tiêu 58.300 đồng/cp – cao hơn khoảng 17% so với thị giá hiện tại.

Theo FTS, doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2025 của VHC dự kiến tăng nhẹ lần lượt 1,9% và 4,8%, nhờ vào sự phục hồi ở thị trường xuất khẩu. Mảng cá tra – vốn chiếm khoảng 72% doanh thu – được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan nhờ giá xuất khẩu cải thiện trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu khan hiếm.

Cổ phiếu đáng chú ý 5/5: HCM, VHC, TNG
Biến động giá cá tra và thủy sản sau khi Mỹ áp thuế

Ngoài ra, thị trường nội địa cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi người tiêu dùng tăng nhu cầu sử dụng thực phẩm đông lạnh, đặc biệt là các sản phẩm của thương hiệu BASAmaster do VHC phân phối.

Đáng chú ý, mảng collagen và gelatin – chiếm khoảng 7% doanh thu – được đánh giá là động lực tăng trưởng dài hạn, với kỳ vọng tăng trưởng kép 23%/năm đến năm 2029 nhờ xu hướng tiêu dùng thực phẩm chức năng và chăm sóc sức khỏe.

Dệt may TNG (TNG): Khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 17.500 đồng/cp

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) duy trì khuyến nghị trung lập với cổ phiếu TNG do triển vọng ngành dệt may vẫn còn nhiều biến động. Giá nguyên vật liệu đầu vào có dấu hiệu tăng trở lại trong khi một số khách hàng lớn đề nghị giảm giá mua hàng do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu tại Mỹ.

Tuy vậy, TNG vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Năm 2024, công ty đạt doanh thu 7.656 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước. Quý I/2025, doanh thu tiếp tục tăng 11,7%, đạt 1.511 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ nhờ công ty chủ động sản xuất các dòng sản phẩm có độ phức tạp và giá bán cao hơn.

Cổ phiếu đáng chú ý 5/5: HCM, VHC, TNG
VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của TNG giai đoạn 2025-2026

TNG cũng đang ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, đồng thời tái cơ cấu các khoản vay để giảm rủi ro tỷ giá – một trong những vấn đề thường gặp trong ngành dệt may xuất khẩu.

VCBS đưa ra mức định giá hợp lý cho TNG là 17.500 đồng/cp, tương ứng với P/E mục tiêu là 7,1 lần.