Thời gian qua, diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu đường trên sàn chủ yếu nương theo hai con sóng hỗ trợ bao gồm:

Diễn biến tăng mạnh của giá đường thế giới

Hiện giá đường đang đạt vùng 25 - 27 USD/LBS - cao nhất kể từ năm 2011.

Cổ phiếu đường sau nhịp tăng mạnh: Còn kỳ vọng cho LSS, SBT, QNS?

Nguyên nhân giá đường tăng cao xuất phát từ nguồn cung khan hiếm một phần do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra lệnh cấm vận đường từ củ cải; việc Brazil chuyển một phần mía đường sang sản xuất xăng Etanol thay thế xăng dầu do giá cao.

Thêm vào đó, động thái Ấn Độ cấm xuất khẩu đường trong khi sản lượng đường tại Trung Quốc, Thái Lan không đạt kỳ vọng do thời thiết không thuận,… cũng trở thành nguyên nhân khiến thị trường khan hiếm nguồn cung.

Ngoài ra, mặt hàng ure, kali, phốt pho của Nga và Belarus bị cấm vận đẩy giá lên cao; giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất phân bón, vật tư của sản xuất đường tăng từ đó làm tăng giá bán đường.

Cung khan hiếm trong khi cầu tăng lên ở các quốc gia tỷ dân nửa Bắc bán cầu - nhất là khi mùa hè đã đến - tiếp tục trở thành câu chuyện giúp giá đường thế giới duy trì ở ngưỡng đỉnh hiện tại.

Cần nhấn mạnh rằng những vấn đề trên là chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Do vậy giá đường được dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao và ổn định đến hết năm 2023.

Kì vọng từ việc áp thuế đường nhập khẩu

Việc Bộ Công Thương áp thuế phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar) thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn về giá đồng thời đánh chiếm thị phần nội địa trở lại (Việt Nam chỉ đáp ứng được có 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước). Việc áp thuế sẽ giúp một số doanh nghiệp lớn (được giao chỉ tiêu nhập khẩu) hưởng lợi về giá bán cao qua đó giúp biên lợi nhuận cải thiện.

Niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ 1/7/2022 - 30/6/2023), doanh nghiệp đường được kỳ vọng sẽ xuất hiện đột phá tăng trưởng kết quả kinh doanh trong bối cảnh chi phí đầu vào rẻ hơn và giá bán thành phẩn cạnh tranh hơn.

Cổ phiếu đường sau nhịp tăng mạnh: Còn kỳ vọng cho LSS, SBT, QNS?

Quý 3 vừa qua, Mía đường Lam Sơn (Mã LSS) dù ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 15% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng lãi tăng 21% lên mức 7,1 tỷ (nhờ tiết giảm chi phí).

Ông lớn Đường Quảng Ngãi (Mã QNS) – chủ thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy ghi nhận doanh thu gần 2.130 tỷ đồng (giai đoạn từ tháng 1 - 3/2023), lãi ròng gần 317 tỷ - tăng lần lượt 17% và 80% so với cùng kỳ.

Còn với SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa - doanh nghiệp đầu ngành mía đường với thị phần chiếm 46% (hiện sở hữu 66.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia) báo doanh thu đạt hơn 5.710 tỷ đồng - tăng 62% YoY trong đó thu từ mảng kinh doanh đường tăng 76% và chiếm gần 91% tỷ trọng tổng thu. Ở chiều ngược lại, do chi hoạt động tăng đáng kể nên lãi ròng của SBT giảm 27% về mức 149,4 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận sự phân hóa nhất định nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp mía đường trong 3 tháng đầu năm 2023 (Dương lịch) vẫn tích cực so với cùng kỳ trong bối cảnh giá đường thế giới neo cao.

Theo bà Đỗ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán KBSV, các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng của giá đường. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như QNS hay SBT, việc giá bán đường tăng cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu.

Đánh giá chung, diễn biến giá đường sẽ là động lực chính tác động tích cực tới giá cổ phiếu doanh nghiệp nhóm này trên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cho mục tiêu đến cuối năm 2023.

Cổ phiếu đường sau nhịp tăng mạnh: Còn kỳ vọng cho LSS, SBT, QNS?
Diễn biến giá một số cổ phiếu mía đường nửa năm trở lại đây