Trong phiên giao dịch ngày 12/4, VN-Index tăng mạnh 18 điểm bất chấp nỗi lo lạm phát trên thị trường quốc tế. Ngành ngân hàng đã có sự trở lại với vai trò lực kéo chủ đạo khi 8/10 mã tác động tích cực nhất đến thị trường đến từ nhóm này.

Điểm nhấn đáng chú ý đến từ LPB - cổ phiếu duy nhất tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 19.550 đồng/cp qua đó tiếp tục thiết lập kỷ lục giá mới. Thanh khoản bùng nổ với trên 15 triệu cổ phiếu trong đó 61% đến từ phe mua chủ động.

Cổ phiếu LPB: 4 phiên - 2 cây nến trần, động lực tăng giá đến từ đâu?
Cổ phiếu LPB liên tục báo tin vui cho cổ đông

Theo Chứng khoán Agriseco, LPBank được dự báo có nhiều triển vọng cho tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 với các động lực chính như:

(1) Ngân sàng sẽ ghi nhận khoản phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng trong 1-2 năm khi ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm với Dai-ichi Life, từ đó gia tăng thu nhập từ HDDV;

(2) Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức cao (ước tính trên 15%) được hỗ trợ bởi ngành xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công, ngành sản xuất phục hồi nhờ các đơn hàng tăng trở lại ở các thị trường xuất khẩu lớn và nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng vào cuối năm 2024;

(3) Lãi suất huy động giảm thấp trong năm 2023 thường có độ trễ từ 3-6 tháng giúp cải thiện tỷ lệ NIM năm 2024, dao động ở mức 3,3-3,5%.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của LPBank về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNpost).

Theo đó, VNpost dự kiến sẽ thoái 8,13% cổ phần tại LPB với mức giá khởi điểm 22.908 đồng/cp (cao hơn 17% so với giá hiện tại). Giá trị của đợt thoái vốn này (tạm tính theo giá khởi điểm) là hơn 3.200 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cổ phiếu LPB diễn biến tích cực trong ngắn hạn khi các thông tin cụ thể được công bố.