Tại Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp, theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

0346-mia-duong-1

Dù khó, kinh doanh của doanh nghiệp khả quan

Báo cáo thị trường đường quý II-2020 của Vietnambiz cho thấy, tác động của đại dịch COVID-19 khiến tiêu thụ đường toàn cầu bị ảnh hưởng.

Trước đó, giá thị trường thế giới hồi phục khiêm tốn vào tháng 6. Mức tiêu thụ năm 2019/2020 ước tính sụt giảm mạnh lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ.

Tại Việt Nam, các nhà máy đã kết thúc vụ ép 2019/2020 và các doanh nghiệp mía đường đều chia nhau 2 “gánh” áp lực cạnh tranh, trước ATIGA là với đường nhập lậu giá rẻ, sau ATIGA là đường nhập khẩu chính ngạch giá rẻ.

Dù thị trường khó khăn nhưng vẫn được “nâng đỡ” bởi các doanh nghiệp lớn trong ngành. Hiện, các “ông lớn” như TTC Sugar (Mã: SBT), Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) đã công bố báo cáo tài chính quý IV của niên độ 2019-2020 (từ 1-4-2020 đến 30-6-2020) với kết quả khá lạc quan.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của SBT ghi nhận công ty đã tiêu thụ thành công 1,06 triệu tấn đường, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 504 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt 117% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ.

Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều được kiểm soát tốt, tạo tiền đề tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Mía đường Sơn La thể hiện, lũy kế cả năm tài chính 2019-2020 công ty đạt 1.048 tỷ đồng doanh thu, tăng 19,5% so với năm trước đó và vượt 21,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 119,3 tỷ đồng, tăng 88,8% so với cùng kỳ và gấp 4,7 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt 12.185 đồng.

0401-mia-duong-2
Dù thị trường còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp mía đường có sự chủ động và chuẩn bị kỹ càng đều có thể vượt khó, kinh doanh tốt.

Những thông tin từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên cho thấy, bất chấp thách thức mang tên ATIGA, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm thấy cơ hội trên thị trường và có mức tăng trưởng lợi nhuận qua từng năm.

Trong bối cảnh này, cổ phiếu ngành mía đường cũng được đánh giá có cơ hội cho nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này.

Tiềm năng cổ phiếu trong dài hạn

Phân tích về tiềm năng và khả năng đầu tư của cổ phiếu ngành mía đường, công ty chứng khoán FPT nhận định nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh về giá thành sản xuất (SLS – Mía đường Sơn La) hoặc có lợi thế về thương hiệu, hệ thống phân phối, và các sản phẩm giá trị gia tăng cao (SBT – TTC Sugar và QNS – Mía đường Quảng Ngãi).

Tuy đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ đường ngoại nhập, song các doanh nghiệp này đang có cơ hội lớn với “2 cửa” xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (trong ngắn hạn) và thị trường EU (trong dài hạn).

Cụ thể, do tác động của dịch COVID-19, lũ lụt, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu để dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong đó có đường.

Theo đó, kim ngạch nhập khẩu đường Việt Nam của Trung Quốc trong 7 tháng 2020 đạt hơn 69,3 triệu USD, cao gấp gần 64 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Song song đó, hiệp định EVFTA (EU – Việt Nam) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, quy định hạn ngạch xuất khẩu 20.000 tấn đường từ Việt Nam sang EU được miễn thuế, tạo cơ hội xuất khẩu cho ngành đường Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có sản phẩm cao cấp, mang tính cạnh tranh cao như SBT, Mía Đường Quảng Ngãi.

Theo đó, nhìn về dài hạn, mã cổ phiếu của các doanh nghiệp này được đánh giá tốt, có thể theo dõi để đầu tư.