Sau khi vượt mốc 1 triệu đồng/cổ phiếu với 9 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG tiếp tục tăng trần phiên thứ 10 ngay đầu phiên 14/2/2023 kéo thị giá lên mức 1.181.500 đồng/cổ phiếu; khớp lệnh lúc 10h đạt 4.100 đơn vị.

Mức giá này hiện đã cao gấp 4,9 lần giá tại thời điểm chào sàn cách đây hơn 1 tháng của VNZ. Vốn hóa thị trường tăng tương ứng - đạt 42.350 tỷ đồng; khối tài sản của nhà sáng lập CTCP VNG - ông Lê Hồng Minh theo đó cũng tăng lên mức 4.156 tỷ đồng.

Sáng nay, cổ phiếu NVL tiếp tục giảm sàn (thủng đáy phiên trước đó); thị giá còn 11.950 đồng/cổ phiếu; khớp lệnh tạm tính hơn 8,2 triệu đơn vị và dư bán giá sàn 17,7 triệu cổ phiếu. Đáng nói, với mức giá vày, vốn hóa tạm tính của công ty đã giảm về mức 23.270 tỷ đồng - bằng 55% vốn hóa VNZ.

Ở mức giá hiện tại của cổ phiếu VNZ, nhóm cổ đông nước ngoài từng mua vào cổ phiếu VNG nhiều năm về trước vẫn chưa thể "về bờ".

Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó năm 2019, quý Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ.

Dù định giá chung của thị trường có giảm sút nhưng việc VNG chào sàn với mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu là rất khó hiểu do vậy mà việc cổ phiếu này tăng phi mã như hiện nay là không quá ngạc nhiên khi mà vẫn còn rất thấp so với mức giá Mirae Asset hay Temasek đã mua.