Cùng một năm ở HAGL và HNG: Bầu Đức muốn ‘trả ơn đời’, ông Trần Bá Dương kỳ vọng ‘thanh thản hơn’
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch HAGL Agrico Trần Bá Dương

Kết thúc quý I/2025, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã HAG) của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 59% YoY, đạt 360 tỷ đồng. Nhờ đó, tính đến 31/3/2025, tổng tài sản đạt 23.478 tỷ đồng – tăng 1.198 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, lỗ lũy kế tiếp tục được thu hẹp đáng kể còn 82 tỷ đồng, so với mức đỉnh gần 7.500 tỷ đồng vào quý I/2021.

Nếu tiếp tục duy trì lợi nhuận ở mức cao trong quý II, cổ phiếu HAG có thể được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa ra khỏi diện cảnh báo và cấp lại margin sau kỳ soát xét báo cáo tài chính bán niên 2025 – một bước tiến quan trọng trong quá trình tái cấu trúc kéo dài một thập kỷ của doanh nghiệp.

Tái cấu trúc ngoạn mục: HAGL trở lại từ tro tàn

Ít ai quên được thời khắc u tối năm 2016, khi bầu Đức công khai tuyên bố: “HAGL mất thanh khoản”. Tổng nợ vượt 28.000 tỷ đồng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ gốc và lãi. Đó là giai đoạn ông gọi là “khoảnh khắc cô đơn nhất cuộc đời – coi như chết rồi”.

Khi ấy, ông Đức đang ở những ngày cuối tuổi 53 Dương lịch. “Lựa chọn từ bỏ hoặc chiến đấu để vực dậy đế chế của mình là việc làm khó khăn nhưng bắt buộc”, ông chia sẻ. Nhờ niềm tin từ THACO và hệ thống ngân hàng, hàng chục nghìn tỷ đồng được bơm vào, giúp cứu con tàu khỏi đắm.

Cùng một năm ở HAGL và HNG: Bầu Đức muốn ‘trả ơn đời’, ông Trần Bá Dương kỳ vọng ‘thanh thản hơn’

"'Xách tiền đi làm bậy' không bao giờ là lựa chọn của tôi", bầu Đức khẳng định. Các khoản vay đều được thẩm định kỹ, sử dụng đúng mục đích và sẵn sàng bán tài sản thu hồi nếu không còn đường lui: "Thông cảm thì hỗ trợ, cùng nhau tái cấu trúc. Còn không thì tất cả nợ đều có tài sản thế chấp, bán thu hồi thôi".

Từ năm 2018, với sự đồng hành của THACO, HAGL dần phục hồi. Theo kế hoạch, đến năm 2026, HAGL sẽ xóa sạch nợ vay. “Vì mình nợ nhiều rồi, người ta cứ nói về mình là gắn với nợ. HAGL có nợ một đồng vẫn mang tiếng nợ. Nên thôi, quyết tâm trả quách đi cho xong”, bầu Đức chia sẻ vào quý IV/2024.

Khi những lời hứa dần thành hiện thực, hơn 33.400 cổ đông HAGL (cuối tháng 11/2024) giờ chỉ còn chờ ông hoàn tất cam kết: “Tới 65 tuổi trả nợ tiền xong, trả ơn cuộc đời nữa là toại nguyện”.

Cơ cấu nợ vay thay đổi, một khoản vay “biến mất”: Tính đến cuối quý I/2025, tổng nợ vay của HAGL tăng lên hơn 7.400 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng chiếm khoảng 4.250 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông tăng hơn 400 tỷ, lên mức 2.412 tỷ đồng. Ngược lại, HAGL không còn ghi nhận dư nợ với LPBank.

Dư nợ trái phiếu hiện gần 3.200 tỷ đồng, do BIDV nắm giữ, dự kiến đáo hạn vào cuối năm 2026. Cơ cấu nợ cho thấy xu hướng chuyển dịch từ dài hạn sang ngắn hạn, phản ánh sự linh hoạt trong tái cấu trúc dòng vốn.

Chi phí lãi vay giảm, kỳ vọng xóa lãi trái phiếu: Chi phí lãi vay trong kỳ là 142,6 tỷ đồng – giảm so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, HAGL vẫn đang ghi nhận hơn 4.244 tỷ đồng chi phí phải trả, trong đó 4.223 tỷ là lãi trái phiếu liên quan BIDV. Doanh nghiệp cho biết đang đàm phán để được xóa khoản lãi này, tương tự thỏa thuận với Eximbank cuối 2023. Nếu thành công, lãi vay có thể được hoàn nhập vào doanh thu tài chính, hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận trong các kỳ tới.

Cùng một năm ở HAGL và HNG: Bầu Đức muốn ‘trả ơn đời’, ông Trần Bá Dương kỳ vọng ‘thanh thản hơn’
Một nông trường trồng chuối của Agrico

HAGL Agrico: Cuộc chiến cứu “xác sống”, bắt đầu chặng tiếp theo

Nếu như bầu Đức chọn năm 2026 là mốc kết thúc hành trình trả nợ, Chủ tịch HAGL Agrico (Mã HNG) – ông Trần Bá Dương lại coi đây là thời điểm “đại tu” để khởi đầu một chặng mới. Sau 4 năm về tay THACO, HAGL Agrico vẫn chưa tìm được lối ra dứt khoát.

Doanh nghiệp này liên tục báo lỗ trong 4 năm liên tiếp. Khoản đầu tư từ công ty mẹ chỉ giúp xử lý nghĩa vụ tài chính cấp bách chứ chưa chạm được vào “phần gốc”: Dòng tiền từ nông nghiệp và năng lực vận hành.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, ông Dương thẳng thắn: "HAGL Agrico đang là xác chết, chết lâm sàng… đang cố gắng cứu. Bên THACO đang cho nợ 12.000 tỷ đồng, nếu chết thì lấy đâu mà đòi. Ăn HNG là ăn chính mình".

Thực tế, khi THACO tiếp quản, “chỉ thấy HNG có nợ và có đất... Nhưng thực tế còn nhiều cái tích tụ. HNG như cái xác không hồn. Chúng tôi cố gắng xử lý cho sạch sẽ tồn đọng trong năm 2025 để từ năm 2026 thanh thản hơn".

Điểm sáng hiếm hoi là mô hình trồng chuối đang bắt đầu phát huy hiệu quả. “Dự kiến năm 2026, công ty sẽ có khoảng 3.000ha chuối. Nếu làm thật tốt và tăng diện tích thì có hiệu quả”, ông Dương kỳ vọng. Đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi phải làm cho Chính phủ tin mới cấp phép, làm cho ra mô hình chăn nuôi bò kết hợp cây ăn trái”.

Cùng một năm ở HAGL và HNG: Bầu Đức muốn ‘trả ơn đời’, ông Trần Bá Dương kỳ vọng ‘thanh thản hơn’
Nguồn: BCTN 2024 của HAGL Agrico

Quý I/2025, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu đạt 99,3 tỷ đồng – tăng nhẹ 6%, nhưng lỗ sau thuế vẫn ở mức 84,5 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khấu hao vườn cây ngừng khai thác và lãi vay. Công ty dự kiến năm nay sẽ tiếp tục chịu: 597 tỷ đồng chi phí hủy vườn cây, 229 tỷ khấu hao vườn cây và 83 tỷ khấu hao hạ tầng. Tuy vậy, phần cốt lõi từ sản xuất dự kiến mang lại lãi 55 tỷ đồng – bước đầu khả quan.

Ông Dương nhấn mạnh: “Khoản lỗ năm 2025 phần lớn đến từ chuyển đổi vườn cây và khấu hao. Đây là gánh nặng bởi nó không phải tài sản thực sự. Gánh nặng hiện hơn 200 triệu đồng/ha thì đến bao giờ mới bù được và hết lỗ?”.

Từ hai người từng “quen sơ sơ” nay đã cùng mang tâm huyết tái thiết lại hai doanh nghiệp nông nghiệp lớn. Dù hành trình của HAGL và HNG là khác biệt – một bên phục hồi từ vực sâu, một bên gắng gượng tái cấu trúc – song tinh thần của bầu Đức và ông Trần Bá Dương vẫn chung một niềm tin: Hướng tới một nền nông nghiệp sạch, minh bạch và bền vững cho Việt Nam.