Góp ý vào dự thảo Luật cán bộ, công chức sửa đổi chiều 14/5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ là bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ.

Theo bà Nga, cán bộ, công chức cấp xã hiện nay nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ lại là người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội nói thẳng: "Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức"
Đại biểu Quốc hội nói thẳng: "Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức".

Tuy nhiên, do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng và ít cơ hội thăng tiến, nguồn nhân lực chất lượng khó được giữ chân, càng khó thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở.

Quan trọng hơn, bà cho rằng cơ chế liên thông sẽ tạo ra một chuỗi phát triển cán bộ từ cơ sở, qua thực tiễn, lên các vị trí cao hơn, thay vì chỉ tuyển chọn "từ trên xuống".

Về chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, dự thảo luật quy định "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ".

Góp ý thêm, bà Nga nhấn mạnh không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức.

Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công, theo lời nữ đại biểu.

Muốn thu hút và giữ chân người tài, bà Nga cho rằng không chỉ cần ưu đãi về tiền lương mà quan trọng hơn, cần trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.

Bà Nga kiến nghị thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình.

Bên cạnh việc cho phép xây dựng cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, nữ đại biểu nhấn mạnh, cần trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.

"Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không đến đúng đối tượng", bà Nga nêu quan điểm.

Theo nữ đại biểu, Việt Nam cần một nền công vụ có khả năng tuyển chọn được người tốt, giữ được người giỏi và loại bỏ được người kém, dù họ đang ở cấp nào trong hệ thống.