Từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, lên mức hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong 3 năm qua lên hơn 17%.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) được biết đến là một trong những doanh nghiệp niêm yết có mức tiêu thụ điện lớn nhất - ghi nhận sản lượng điện sử dụng trong năm 2024 đạt 992 triệu kWh, tăng 7,5% so với năm trước.
Tại ĐHĐCĐ năm 2025, ban lãnh đạo DGC nhấn mạnh chi phí điện là một rủi ro đáng kể trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là mảng phốt pho công nghiệp (IPC) khi điện chiếm tới 30% tổng chi phí. Với việc giá điện tăng lên gần 5%, chi phí sản xuất của doanh nghiệp có thể đội thêm khoảng 50 USD mỗi tấn sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán Vietcap, DGC có khả năng chuyển phần chi phí gia tăng này sang khách hàng nhờ lợi thế cạnh tranh lớn khi là một trong số ít nhà xuất khẩu phốt pho vàng đạt độ tinh khiết cao trên thị trường quốc tế.
![]() |
Hóa chất Đức Giang tiêu thụ 992 triệu kWh trong năm 2024 |
Hiện tại, Đức Giang là nhà xuất khẩu phốt pho vàng (P4) lớn nhất châu Á, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu, với các thị trường chủ lực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc). Riêng mảng phốt pho vàng đóng góp hơn 50% doanh thu hàng năm. Đây là nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất chip điện tử, chất bán dẫn, pin lithium, phân bón và thực phẩm.
Vietcap nhận định nhu cầu phốt pho công nghiệp tại Đông Á đang tăng mạnh nhờ sự bùng nổ ngành bán dẫn và tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hóa chất của Việt Nam. Nắm bắt xu hướng này, DGC đang điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Đông Á nhằm tận dụng mức giá bán cao hơn so với các thị trường như Ấn Độ.
Liên quan đến mảng kinh doanh cốt lõi, Bộ Tài chính mới đây đề xuất nâng thuế xuất khẩu phốt pho vàng từ 5% lên 15% nhằm bảo vệ tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như chip bán dẫn, pin xe điện và hóa chất công nghiệp cao cấp.
Dù vậy, Vietcap đánh giá tác động thực tế từ đề xuất tăng thuế có thể không quá lớn nhờ 3 yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất, DGC đang kiến nghị giữ nguyên mức thuế 5% và khả năng mức thuế cuối cùng được chốt sẽ thấp hơn mức đề xuất. Thứ hai, doanh nghiệp có thể đàm phán để chuyển phần chi phí thuế sang khách hàng, đặc biệt tại các thị trường Đông Á - nơi DGC có vị thế cạnh tranh về chất lượng và độ tin cậy. Thứ ba, công ty cũng đang đẩy mạnh chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ P4 như axit photphoric nhiệt (TPA), nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hạn chế tác động từ thay đổi chính sách thuế.