Theo đó, thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bắt buộc phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán và tổng điểm 3 môn từ 24 trở lên – tương đương 80% thang điểm xét tuyển.
Yêu cầu này được áp dụng với các cơ sở đào tạo tham gia chương trình quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Chính phủ triển khai.
Cụ thể, để theo học cử nhân hoặc kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn, thí sinh phải sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học Tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo. Mỗi bài thi phải đạt từ 80% trở lên so với thang điểm tối đa. Riêng môn Toán – được xem là "xương sống" của ngành – buộc phải đạt ít nhất 8/10 điểm.
![]() |
Đối với thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán phải đạt ít nhất 8 điểm và tổng điểm 3 môn tối thiểu từ 24 mới được theo học ngành Bán dẫn, vi mạch. Ảnh minh hoạ |
Không chỉ yêu cầu cao với học sinh phổ thông, chuẩn đầu vào còn quy định rõ với các nhóm đối tượng khác:
- Người đã tốt nghiệp đại học: Phải có bằng tốt nghiệp phù hợp và GPA từ 2,8/4 trở lên.
- Sinh viên chuyển ngành: Đang theo học ngành khác nhưng muốn chuyển sang vi mạch bán dẫn cần có GPA từ 2,5/4.
- Trình độ thạc sĩ: GPA bậc đại học cũng phải đạt từ 2,8/4 trở lên.
Trước đó, khi lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chuẩn đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hồi tháng 2, nhiều trường đại học bày tỏ lo ngại rằng mức điểm đầu vào quá cao sẽ gây khó khăn trong tuyển sinh. Một số ý kiến cho rằng tiêu chí này có thể trở thành “rào cản kỹ thuật”, ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT giữ quan điểm rõ ràng: Không thể vì nhu cầu nhân lực lớn mà đánh đổi chất lượng đào tạo. Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kiến thức nền vững chắc, đặc biệt là ở các môn khoa học cơ bản như Toán – nền tảng cho các ứng dụng vi điện tử, thiết kế mạch và lập trình hệ thống.
Mức lương ngành vi mạch, bán dẫn
Hiện, ngành vi mạch bán dẫn đang trở thành lĩnh vực “khát” nhân lực chất lượng cao, với mức thu nhập thuộc hàng top tại Việt Nam.
Theo 1 kỹ sư trong ngành này cho biết, sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương từ 15 – 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với những kỹ sư có kinh nghiệm, thu nhập hàng năm có thể chạm mốc 10 con số, tương đương 1 – 2 tỉ đồng/năm.
![]() |
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành vi mạch, bán dẫn có thể đi làm với mức lương từ 18-20 triệu đồng, có trường hợp kiếm tiền tỷ mỗi năm. Ảnh minh hoạ |
Đại diện 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực này thông tin, nhân sự ngành vi mạch thường được trả lương theo năng lực và thâm niên công tác. “Làm càng lâu, lương càng cao. Các công ty thiết kế vi mạch ở TP.HCM hiện đều trong tình trạng khát nhân lực, sinh viên năm 3 đã có thể đi làm nhưng vẫn không đủ người để tuyển”, ông nói.
Hiện Việt Nam có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch, chủ yếu tập trung tại TP.HCM. Trung bình mỗi công ty mới thành lập đều cần 50 – 100 kỹ sư ngay trong năm đầu tiên, trong bối cảnh cả nước vẫn chưa có đơn vị nội địa nào sản xuất được chip riêng – dù mỗi năm nhập khẩu hơn 6 tỉ USD tiền chip.